Chủ động ứng phó thiên tai
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 05/04/2021
Thực tế cho thấy, 70% lượng nước sông Hồng tập trung vào mùa lũ. Và chỉ một trận lũ lớn sẽ khiến các sông: Đáy, Tích, Bùi phải “cõng” tới hàng chục tỷ mét khối nước, vượt gấp nhiều lần năng lực hiện có của các dòng sông này. Trong khi đó, những công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố liên tục xảy ra sự cố. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 17 sự cố sụt lún đê, kè, cống, sạt lở bờ sông, trong đó có những sự cố nghiêm trọng.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, thành phố đã cho phép các chủ đầu tư thực hiện 17 dự án xử lý sự cố theo hình thức cấp bách. Tuy nhiên, đến nay có tới 9/17 dự án mới đang trong quá trình chọn nhà thầu và hoàn thiện thủ tục thỏa thuận phương án thi công với Bộ NN&PTNT…
Mùa mưa bão năm 2021 đang đến gần. Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng tháng 6, trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện các đợt lũ…, nên nhiệm vụ của các chủ đầu tư lúc này là “chạy đua” với thời gian để sớm hoàn thành các dự án xử lý sự cố cấp bách.
Cụ thể, Sở NN&PTNT cần phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố, các đơn vị của Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương giải quyết kịp thời những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công 9 công trình xử lý sự cố đê điều, sạt lở bờ sông, hoàn thành trong tháng 5 tới; đồng thời vận hành hiệu quả 8 công trình đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành.
Mặt khác, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định. Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực duy tu, bảo dưỡng các hạng mục công trình phòng chống thiên tai, xử lý những vấn đề phát sinh, nhằm hạn chế thấp nhất các sự cố.
Để không bị động, bất ngờ trước thiên tai, các cơ quan chức năng của thành phố, các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu, trọng điểm; sẵn sàng các phương án hộ đê cũng như giải pháp ứng phó trong bối cảnh xảy ra bão, lũ. Cùng với đó, triển khai kế hoạch sửa chữa, gia cố kịp thời; chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê...
Về lâu dài, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Với người dân, cần nâng cao ý thức bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai nói riêng, các quy định của pháp luật về đê điều nói chung; thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương các sự cố sụt lún đê, kè, cống…
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình mang tính lâu dài là nhân tố quyết định trong công tác ứng phó với thiên tai, khi mà biến đổi khí hậu đang ngày càng cực đoan, khốc liệt. Trước mắt, để giảm nỗi lo mất an toàn trong mùa mưa bão năm 2021, ưu tiên hàng đầu, cấp bách là tập trung nguồn lực xử lý sự cố đê điều, sạt lở bờ sông; chủ động lập phương án bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai.