Tăng cường kiểm soát học sinh đi xe máy đến trường

Giao thông - Ngày đăng : 06:07, 06/04/2021

(HNM) - Mặc dù đã có quy định cấm học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy có dung tích xi-lanh trên 50cm3 tới trường, nhưng hiện nay vẫn còn có nhiều học sinh không chấp hành, thậm chí còn điều khiển xe máy trong khi không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng hai, hàng ba… Để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm; gia đình, nhà trường quan tâm giáo dục, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho con, em mình.

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn quận Tây Hồ.

Phụ huynh dung túng  

Chiều 2-4, nhận được tin báo về việc một nhóm học sinh đi xe máy tụ tập, gây gổ đánh nhau tại khu vực Vườn hoa Bồ Đề, Công an phường Bồ Đề (quận Long Biên) đã cử lực lượng đến để giải quyết vụ việc. Trung tá Vũ Xuân Tính, Trưởng Công an phường Bồ Đề cho biết, nguyên nhân do các em chê bai, khích bác xe máy của bạn này xấu hơn xe máy của bạn kia... Công an phường đã liên hệ với gia đình, nhà trường để có biện pháp quản lý, giáo dục các em.

Trên đây chỉ là một trong những trường hợp gia đình nuông chiều cho con, em đi xe máy đến trường dù chưa đủ tuổi. Chiều 2-4, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trước cổng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, ở 54 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) cho thấy, nhiều học sinh sau khi tan học đã lái xe máy kẹp ba, kẹp bốn, không đội mũ bảo hiểm... Chị Lê Lan Anh, một người bán hàng ăn sáng ở đường Vũ Trọng Phụng cho biết: “Để che giấu nhà trường, các em học sinh đi xe máy đã gửi xe ở ngoài cổng trường”. 

Tương tự, tại cổng Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A (huyện Hoài Đức) cũng có một số học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí, tại Trường Trung học phổ thông Thăng Long (quận Hai Bà Trưng), mặc dù cán bộ, giáo viên, bảo vệ nhà trường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở học sinh đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, không điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh trên 50cm3, vậy nhưng sau khi tan học, không ít em lái xe đèo nhau nô đùa trên đường, không đội mũ bảo hiểm… 

Tình trạng này còn xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), Trường Trung học cơ sở Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy)… Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thăng Long (quận Hai Bà Trưng) Phạm Thị Thanh Vân: "Nguyên nhân chính là phụ huynh nuông chiều con cái, dung túng vi phạm, dù biết cho con em đi học bằng xe máy là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Nhiều học sinh nói dối là bố mẹ đưa đi học trong khi thực tế là được bố mẹ cho phép điều khiển máy đến trường". 

Học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang (ảnh chụp tại cổng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Xuân).

Ngăn chặn vi phạm từ gia đình 

Trước thực tế nêu trên, bà Phạm Thị Thanh Vân cho rằng, giải pháp tốt nhất ngăn chặn học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi là từ chính các bậc phụ huynh; đồng thời phải xử lý cả những nơi nhận trông xe máy cho các em học sinh. “Mặc dù nhà trường đã kiểm soát chặt chẽ danh sách các em đi phương tiện gì đến trường, nhưng nếu không có sự phối hợp của phụ huynh thì không thể có hiệu quả”, bà Phạm Thị Thanh Vân cho hay. 

Về vấn đề này, Đại úy Lê Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an quận Thanh Xuân) cho biết, khi kiểm tra, phát hiện các trường hợp học sinh đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm, đơn vị đã mời phụ huynh đến để làm việc, đề nghị gia đình về giáo dục con cái tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Đồng thời gửi danh sách về nhà trường để có biện pháp nhắc nhở, xử lý. 

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, lực lượng công an đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành tuyên truyền tại các trường học về Luật Giao thông đường bộ. Các lực lượng chức năng cũng thực hiện tuần tra khép kín địa bàn, tập trung nhắc nhở, xử phạt các em học sinh vi phạm. Đồng thời, phối hợp gửi kết quả về nhà trường, xem xét trừ vào hạnh kiểm học sinh.

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, năm 2020, quận đã thí điểm triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh. Theo đó, Đội thanh niên xung kích - an ninh trường và lực lượng chức năng kiểm soát tại khu vực cổng trường ngăn chặn hành vi không đội mũ bảo hiểm và điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi. Mô hình này đã được áp dụng tại nhiều trường học trên địa bàn, tạo hiệu ứng giáo dục hiệu quả, tuyên truyền pháp luật giao thông cho các em và chính gia đình.

Đưa ra giải pháp, bà Huỳnh Hương Giang, cán bộ Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, đơn vị thường xuyên có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn phối hợp với phụ huynh nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy định; không điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe phù hợp. “Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đề nghị các địa phương tập trung xử lý trách nhiệm của cá nhân giao xe máy cho trẻ em”, bà Giang nhấn mạnh.

Hiệp - Dung