Báo chí Lào đánh giá việc Quốc hội Việt Nam kiện toàn các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:39, 06/04/2021
Bài báo nêu rõ, trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ mười một - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 24-3 đến 8-4, Quốc hội Việt Nam đã tập trung kiện toàn các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước. Theo đó, Quốc hội đã bầu đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; bầu đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức vụ Chủ tịch nước; bầu đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ.
Bài viết đánh giá các đồng chí được bầu vào các chức danh lãnh đạo: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều đã để lại nhiều dấu ấn với nhiều nỗ lực, tinh thần sáng tạo và trách nhiệm cao trên cương vị trước đây của mình.
Về tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bài báo nêu rõ trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc với trọng trách của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam luôn kiên định tinh thần "hành động”, chìa khóa để tập thể Chính phủ và Thủ tướng tìm ra lời giải cho những khó khăn, vướng mắc trong nhiệm kỳ. Việt Nam giữ được đà tăng trưởng cao, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là những dấu ấn kinh tế nổi bật trong nhiệm kỳ Thủ tướng của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc. Những thành quả Việt Nam đạt được đã giúp cho vai trò, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng vững chắc. Theo đánh giá của nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, xếp hạng của Việt Nam ngày càng được nâng lên.
Đánh giá về tân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bài báo viết, năm 2016, đồng chí Vương Đình Huệ giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ cùng tập thể Thường trực Chính phủ và Chính phủ đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng giúp kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trong 10 năm qua và lan tỏa thành quả kinh tế cũng như tư duy mới tới những vùng nông thôn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi đó đã nhiều lần họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để cùng tìm giải pháp cơ cấu lại nợ công, giúp giảm tỷ lệ nợ công; tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, thành quả của công tác điều hành giá dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam 4 năm qua liên tục tăng. Một năm trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, phong cách nói ít, làm nhiều nhưng quyết liệt, hiệu quả của đồng chí Vương Đình Huệ đã tạo ra chuyển biến mới trong hệ thống chính trị.
Bài báo cũng đánh giá đồng chí Phạm Minh Chính đã để lại nhiều dấu ấn rõ nét trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (2011-2015). Đồng chí đã nỗ lực thúc đẩy cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh theo hai hướng, trước hết là cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp; thứ hai là phục vụ người dân tốt hơn. Vì vậy, người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hành chính ở đây đều rất nhanh chóng, tiện lợi. Điều này được chứng minh khi những năm gần đây, Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu toàn quốc về cải cách hành chính.
Năm 2019, địa phương này đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân. Quảng Ninh cũng là địa phương đang thu hút mạnh mẽ nguồn lực từ hợp tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, như: Sân bay, cảng biển, đường cao tốc. Đây là tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại vượt bậc so với nhiều địa phương khác, là địa phương có cảng hàng không do tư nhân đầu tư đầu tiên ở Việt Nam; tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam. Những kết quả ngày hôm nay, có tiền đề để lại từ thời Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính.
Đồng chí Phạm Minh Chính được bầu vào Bộ Chính trị và được phân công giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương vào năm 2016. Trên cương vị với trọng trách công việc “then chốt của then chốt” của Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn một nhiệm kỳ qua cũng là thời điểm “thử lửa” đầy thách thức đối với ngành tổ chức cán bộ cũng như toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị. Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (về sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập), bộ máy đã được tinh giản đáng kể.
Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam còn ghi dấu ấn quan trọng của Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trong những tham mưu chiến lược về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Đồng chí cũng là người khởi xướng và chỉ đạo quyết liệt để tổ chức và phát triển Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) qua 5 năm đã trở thành giải thưởng báo chí có uy tín, đã và đang tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Bài viết nhấn mạnh kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV được coi là kỳ họp chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và Quốc hội khóa XV. Với việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ, các đại biểu Quốc hội Việt Nam đều đặt nhiều kỳ vọng vào bộ máy lãnh đạo mới sẽ tiếp tục phát huy hết trí tuệ, năng lực, tiếp bước những thành công của nhiệm kỳ trước, lãnh đạo đất nước ngày một phát triển, hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.