Nỗ lực đạt mục tiêu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 07/04/2021
Điểm sáng này tiếp tục được duy trì từ đà tăng trưởng của năm 2020. Ngoài những yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, còn phải kể tới việc lãnh đạo thành phố và ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo, điều hành sát sao để các địa phương chủ động trong sản xuất. Nhờ đó, việc tái đàn lợn đạt kết quả tốt; sản xuất đã bám sát nhu cầu thị trường, tập trung vào những mặt hàng lợi thế, có giá trị kinh tế cao… Kết quả, tăng trưởng nông nghiệp quý I của thành phố là rất khả quan so với cùng kỳ của giai đoạn 2018-2020 (lần lượt là 2,04%, 2,57%, âm 1,17%).
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp; giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng; việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế… Thực tế này khiến mục tiêu tăng trưởng mà ngành Nông nghiệp thành phố đề ra đạt mức 4,2% trong năm nay còn nhiều thách thức, đòi hỏi toàn ngành cũng như các địa phương cần nỗ lực, chủ động hơn nữa.
Theo đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần nhanh chóng xây dựng 3 phương án tăng trưởng như Thông báo số 172/TB-VP ngày 30-3-2021 (về kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp về tình hình và giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp Hà Nội năm 2021) đã đề cập. Phương án 1, mức tăng trưởng 3% theo kịch bản UBND thành phố giao; phương án 2, phấn đấu mức tăng trưởng 4,2%; phương án 3 (phương án phấn đấu), mức tăng trưởng 4,5%. Việc xây dựng phương án phải có giải pháp thực hiện cụ thể; phát triển ngành, lĩnh vực cần gắn với thị trường; tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng kế hoạch, lộ trình, phân công trách nhiệm trong tổ chức thực hiện...
Từ định hướng trên, thời gian tới, các cơ quan chức năng của thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bảo đảm sản xuất vụ xuân thắng lợi; đồng thời lên kế hoạch sản xuất các vụ tiếp theo và đặc biệt cần sẵn sàng triển khai những giải pháp điều chỉnh cụ thể, phù hợp với tình hình sản xuất và nhu cầu thị trường.
Mặt khác, các địa phương cần tập trung đôn đốc, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi - trên cơ sở phân tích kỹ tiềm năng, lợi thế, dư địa, để hình thành các mô hình có giá trị kinh tế cao, củng cố thương hiệu nông sản Hà Nội. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển chuỗi sản xuất khép kín. Trong đó, ưu tiên xây dựng các mô hình chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng; đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các xã chăn nuôi trọng điểm thành cơ sở an toàn dịch bệnh để tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh…
Và trên hết, để nông nghiệp trở thành một bệ đỡ của nền kinh tế, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân cần luôn chủ động xây dựng phương án sản xuất. Trong đó, phải coi trọng việc gắn sản xuất với thị trường; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia… Với những doanh nghiệp lớn, cần duy trì hoạt động mang tính dẫn dắt để liên kết sản xuất với nông dân, tạo thành mạng lưới phát triển bền vững trong mọi hoàn cảnh.
Kết quả tăng trưởng của quý I là bước khởi đầu quan trọng, tạo động lực để ngành Nông nghiệp Thủ đô chủ động vượt khó, hướng đến mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 mà ngành đã đề ra.