Thành phố Hồ Chí Minh: Phát huy tiềm năng kinh tế biển
Kinh tế - Ngày đăng : 07:10, 07/04/2021
Tiềm năng lớn
Nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển, với 23km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Vịnh Cần Giờ là nơi các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Thị Vải, Soài Rạp… đổ ra biển và là lối vào của hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước như Cái Mép - Thị Vải và Hiệp Phước. Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300ha, với hơn 70% là rừng ngập mặn và sông rạch. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cho phát triển du lịch sinh thái biển, rừng, sông…
Tại Hội thảo “Thành phố Hồ Chí Minh - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 30-3 mới đây, nhiều nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, kinh tế biển, đô thị biển sẽ là động lực phát triển mới của thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nhận định: Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm 8 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh) là những đầu mối giao thương kinh tế hàng đầu cả nước, tạo thành một "bát giác kim cương", bao trọn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ rộng hơn 42.000ha, biến Cần Giờ thành trung tâm kết nối chuỗi đô thị trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đánh giá: “Phát triển kinh tế biển thông qua Cần Giờ chắc chắn sẽ góp phần giúp kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cất cánh”.
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng
Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng Cần Giờ đang đối mặt với nhiều khó khăn, khi vẫn bị cách biệt với các địa phương xung quanh vì sông, rạch chằng chịt; chưa kể, dân cư lại thưa thớt với 74.693 nhân khẩu và phân bố không đều. Chị Hoàng Kim Khánh, là người thường xuyên tổ chức các tour du lịch trong ngày từ trung tâm thành phố ra Cần Giờ, nhận xét: “Cần Giờ với bãi biển cát đen độc đáo và khu di tích chiến khu Rừng Sác rất hấp dẫn du khách… Tuy nhiên, do phải qua phà, chờ đợi lâu; cơ sở nghỉ dưỡng lại chưa nhiều, nên du khách chỉ đi về trong ngày”.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng thông tin, trong giai đoạn 2015-2020, huyện đưa vào sử dụng 438 công trình kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, giải quyết cơ bản các nhu cầu dân sinh trên địa bàn. Đầu năm 2021, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu được khánh thành với 350 khách, 20 ô tô, 100 xe máy, rút ngắn thời gian đi lại, đồng thời góp phần phát triển du lịch.
Một trong những dự án lớn đang được triển khai, kỳ vọng sẽ làm thay đổi cơ bản diện mạo địa phương là Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, vừa được Chính phủ đồng ý mở rộng quy mô từ 600ha lên 2.870ha. Sau khi đi vào hoạt động, sẽ phục vụ cho hơn 228.000 cư dân và tiếp đón gần 9 triệu lượt khách mỗi năm.
Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông khác cũng đang được xây dựng để Cần Giờ dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Cụ thể, cầu Cần Giờ (thay thế phà Bình Khánh) đã khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2025; cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, nối Cần Giờ với huyện Nhà Bè cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Cần Giờ sẽ được kết nối với Cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (Đồng Nai)…
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu trong quá trình phát triển kinh tế, nhưng kinh tế biển chưa được phát triển đúng tiềm năng. Do đó, việc thành phố Hồ Chí Minh phát triển về phía Cần Giờ sẽ xây dựng đô thị biển hiện đại, góp phần hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. “Tuy nhiên, quan trọng nhất hiện nay là xác định mô hình phát triển kinh tế biển, từ đó bổ sung vào quy hoạch chung của thành phố”, ông Nguyễn Đức Hiển nói.
Liên quan đến định hướng phát triển Cần Giờ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, Cần Giờ sở hữu nhiều điều kiện để phát triển thành đô thị giao thương, nghỉ dưỡng cho các thương gia. Do đó, định hướng của thành phố Hồ Chí Minh là không đưa Cần Giờ lên quận, thay vào đó là phát triển theo mô hình thành phố du lịch và sinh thái tầm cỡ quốc tế.