Ngân hàng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp

Tài chính - Ngày đăng : 06:14, 08/04/2021

(HNM) - Mặc dù mới có một vài ngân hàng chính thức công bố kết quả hoạt động của quý I-2021, song, những thông tin dự báo đều cho thấy bức tranh lợi nhuận khả quan. Lợi nhuận tốt là tiền đề để các ngân hàng tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á. Ảnh: Nguyễn Quang

Lợi nhuận cao trong quý I-2021

Thông tin về kết quả kinh doanh quý I-2021, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành cho biết, lợi nhuận của Vietcombank ước đạt 7.000 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 34% và bằng 28% kế hoạch năm 2021. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này trong quý I đạt 3,69%, mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm.

Trong khi đó, theo Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), tính đến ngày 31-3, tổng tài sản của SeABank đạt 184.302 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế quý I-2021 của SeABank đạt 698,3 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. 

Dù chưa công bố chính thức nhưng Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)… cũng dự kiến đạt tăng trưởng cao trong quý I-2021.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), ước tính lợi nhuận trước thuế bình quân quý I-2021 của nhóm ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán tăng 55-65% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngoạn mục, khoảng 75-85%. Dự báo cả năm 2021, SSI cho rằng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 24% so với năm 2020.

Ngân hàng sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp

Kết quả tăng trưởng khả quan về lợi nhuận, cộng với việc trích lập đầy đủ quỹ dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu, là dư địa để ngân hàng tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông Thái Dương, nguyên giảng viên Học viện Ngân hàng cho rằng, việc ngân hàng sử dụng lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp cũng là giải pháp hỗ trợ chính ngân hàng, bởi doanh nghiệp là một trong những đối tượng mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính - ngân hàng Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định, ngành Ngân hàng cần tiếp tục giảm chỉ tiêu lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn. Vì thế, các chương trình ưu đãi sẽ được triển khai như trong năm 2020.

Đi tiên phong, Vietcombank vừa giảm đồng loạt lãi suất cho vay đối với toàn bộ dư nợ hiện hữu và cho vay mới của khách hàng từ nay đến ngày 22-5-2021. Trong đó, khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 được giảm tới 10% số tiền lãi phải trả. Ngoài ra, Vietcombank giảm 0,2%/năm lãi suất cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh. Tổng số khoảng 105.000 khách hàng được giảm lãi suất với quy mô tín dụng là 350.000 tỷ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Vietcombank. “Ngân hàng mong muốn chia sẻ với khách hàng, góp phần ổn định kinh tế, chung tay cùng vượt qua đại dịch Covid-19”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành nói.

Còn Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Đức Ấn khẳng định, ngân hàng luôn sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và 14 triệu hộ nông dân Việt Nam vượt qua khó khăn. Agribank không ngại chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. 

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư của khoản nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến 31-12-2021. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện đến ngày 31-12-2021. 

Thông tư cũng quy định các ngân hàng được quyết định miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020 từ hoạt động cấp tín dụng mà khách hàng phải trả trong 2 năm 2020-2021 nhưng không có khả năng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng cũng được thực hiện đến ngày 31-12-2021.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, kể cả việc giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn. Nếu các chỉ số kinh tế tích cực, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung giảm chi phí để tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.

Hà Linh