Chuyện ''nghe quen quen''
Thể thao - Ngày đăng : 06:05, 10/04/2021
Thắng - thua trong thể thao là chuyện bình thường. Nhưng, còn hơn một sự kiện, thất bại nói trên gợi suy nghĩ về sự thăng tiến chuyên môn của tài năng thể thao Việt Nam bởi xét cho cùng thì đây không phải lần đầu tiên Ánh Viên chịu thua một tay bơi ít danh tiếng, trình độ kém hơn so với mình. Hơn nữa, từ cách đây khoảng 10 năm, khi làm dậy sóng làng bơi Việt Nam ở tuổi 16 - 17, cho tới nay, sự bứt phá về chuyên môn của một tài năng bơi hiếm có như Ánh Viên là không rõ ràng. Khi “còn trẻ”, từng có nhiều lần chị bơi ngang ngửa với những tay bơi nữ hàng đầu châu lục ở một số nội dung hỗn hợp, cự ly dài, chỉ chịu thua ở những vòng bơi cuối, chắc chắn do sức bền và một phần nữa là kỹ thuật thiếu toàn diện. Hạn chế bộc lộ từ khi Ánh Viên còn là “ngọc thô”, đến lúc trưởng thành thì sự hụt hơi của chị so với các VĐV hàng đầu khu vực và châu lục có vẻ càng được nới rộng.
Chuyện “nghe quen quen”. Nhìn sang bóng đá thì thấy. Các đội tuyển trẻ của Việt Nam, từ U16, U19, thậm chí đến U23, nhiều lúc có thể chơi ngang ngửa với đa số đội tuyển hàng đầu khu vực Tây Á, với Australia, Trung Quốc..., nhưng sau đó thì vẫn những con người ấy ở cả hai phía, chúng ta thể hiện rõ sự thua kém so với nhiều đội tuyển khác. Thua về thể lực, thể hình đã đành, sự thua về ý thức chiến thuật và thậm chí kỹ thuật là điều đáng nói hơn. Tất cả liên quan tới công tác huấn luyện, sự chăm lo về thể chất, điều kiện tập luyện... để tài năng thể thao có bước phát triển liên tục chứ không chỉ tỏa sáng nhờ năng khiếu, rõ sự hơn người ở vạch xuất phát nhưng rồi càng gần đích thì càng tụt lại so với mặt bằng chung.
Đó là chuyện cần xem xét lại kỹ càng một lần nữa. Để qua đó đưa ra giải pháp hữu ích về công tác huấn luyện, điều kiện chuyên biệt cần có với từng bộ môn thể thao và từng nhân tài cụ thể.