Siết chặt quản lý người bệnh tại bệnh viện
Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 12/04/2021
Quản lý lỏng lẻo, vô trách nhiệm
Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử phòng, chống tội phạm về ma túy, một đường dây mua bán, tàng trữ ma túy với số lượng lớn được triệt phá ngay tại bệnh viện. Kẻ cầm đầu đường dây là bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) - người đang được điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Đối tượng này từng có 4 tiền án, tiền sự và được đưa vào điều trị tại bệnh viện từ tháng 11-2018, vì được chứng nhận có tiền sử bệnh tâm thần. Trong thời gian chữa bệnh, Nguyễn Xuân Quý ngang nhiên ra khỏi bệnh viện, thậm chí còn cải tạo buồng điều trị thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laser để sử dụng, cất giấu trái phép ma túy.
Liên quan đến vấn đề quản lý bệnh nhân tâm thần phạm tội, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) Nguyễn Văn Dũng cho biết, Chính phủ và Bộ Y tế đã có những quy định rất rõ, bệnh nhân không được tự ý rời khỏi nơi điều trị cũng như phải chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. Hằng tháng, hằng quý, cơ sở điều trị phải có báo cáo cụ thể về công tác điều trị cho đối tượng này. Hơn nữa, khi bệnh viện muốn chỉnh sửa cơ sở vật chất, hay bổ sung trang thiết bị phải có đề án cụ thể và được sự cho phép của cơ quan quản lý. “Bệnh viện không được tự ý thay đổi khu vực điều trị. Đặc biệt, bệnh nhân càng không có quyền cải tạo, sửa đổi phòng điều trị”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.
Quy định là vậy, song những người có trách nhiệm đã cố tình “làm ngơ”. Theo tường trình của Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền (Bệnh viện Tâm thần trung ương 1), khi phát hiện Nguyễn Xuân Quý ngăn đôi phòng điều trị đã yêu cầu dỡ bỏ. Thế nhưng, bệnh nhân trình bày lý do, muốn ngăn phòng để được nằm điều trị riêng cho yên tĩnh thì lại được lãnh đạo khoa đồng ý. Cũng theo quy định, hằng ngày, bác sĩ phải đi các buồng bệnh, thăm khám cho bệnh nhân, vậy mà đối tượng Nguyễn Xuân Quý ngang nhiên mang tất cả trang thiết bị phục vụ cho việc “bay lắc” vào phòng điều trị, lãnh đạo khoa lại trả lời: “Hoàn toàn không hay biết!”…
Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 Nguyễn Tuấn Đại cũng khẳng định, bệnh viện tâm thần là nơi điều trị người bệnh bị rối loạn chức năng não bộ, thường xuyên không kiểm soát được hành vi và cảm xúc. Do đó, việc điều trị, quản lý người bệnh tại đây được đặc biệt chú trọng. Dù công việc quá tải, lực lượng y tế rất mỏng, nhưng bệnh viện vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bệnh viện cũng thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thu dung, quản lý và điều trị người bệnh. Nhưng thực tế, việc kiểm tra chỉ trên hồ sơ, giấy tờ, không trực tiếp xuống phòng bệnh nhân.
Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu bệnh viện
Hiện tại, Bộ Y tế đang tổ chức 5 đoàn kiểm tra đánh giá bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện. Đây là hoạt động thường niên của Bộ Y tế, nhằm giúp các bệnh viện nhìn nhận lại hoạt động, rút kinh nghiệm, khắc phục, cải tiến những điểm chưa hợp lý. Sở Y tế Hà Nội cũng tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn. Qua kiểm tra, một số bệnh viện, như: Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa… đều tuân thủ rất nghiêm ngặt quy trình quản lý người bệnh và kiểm soát người ra, vào bệnh viện.
Với những bệnh viện công, nơi có đến hàng trăm cán bộ, nhân viên với đủ các vị trí giám sát, quản lý từ bảo vệ đến các khoa, phòng... thì không dễ có chuyện bệnh nhân tự do ra, vào, tự do thay đổi kết cấu phòng điều trị. Để thấy, vụ việc ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 là rất bất thường.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho rằng, việc bệnh nhân cải tạo phòng bệnh để thành “động bay lắc” và có sự tham gia của nhân viên bệnh viện là cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế. Bộ Y tế sẽ có các hình thức chấn chỉnh và rút kinh nghiệm cho các bệnh viện khác. Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đây là sự việc không thể chấp nhận được. Quan điểm của Bộ Y tế là xử lý thật nghiêm các cá nhân và tập thể có liên quan...
Hằng năm, Bộ Y tế đều có đoàn kiểm tra đi đánh giá hoạt động, chất lượng các bệnh viện. Tuy nhiên, việc kiểm tra không thể bao quát hết mà dựa trên nguyên tắc các bệnh viện tự đánh giá, xét điểm chất lượng và tự chịu trách nhiệm. Trong việc quản lý người bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh, trách nhiệm của người đứng đầu vẫn là yếu tố quyết định.