Khan hiếm linh kiện bán dẫn: Mối lo của công nghiệp toàn cầu

Xe++ - Ngày đăng : 06:30, 14/04/2021

(HNM) - Sự thiếu hụt linh kiện bán dẫn đang khiến nhiều ngành công nghiệp điêu đứng, phải tạm dừng hoặc giãn, hoãn kế hoạch sản xuất. Trong bối cảnh trào lưu số hóa bùng nổ, tình trạng khan hiếm linh kiện bán dẫn trở thành mối lo của nền công nghiệp toàn cầu.

Hầu hết các ngành sản xuất trên toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô đều phải đối mặt với khó khăn do thiếu hụt linh kiện bán dẫn.

Linh kiện bán dẫn (chíp) là một bộ phận quan trọng của thiết bị điện tử hiện đại, chuyên dụng trên ô tô, máy tính, điện thoại thông minh, thiết bị y tế và nhiều máy móc công nghiệp khác… Thiết bị này bao gồm bộ nhớ và bộ vi xử lý, không chỉ lưu trữ thông tin mà còn sử dụng trong trí tuệ nhân tạo, đồ họa cao cấp. Do đó, sự thiếu hụt về khả năng cung ứng linh kiện bán dẫn đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất hàng hóa trên quy mô toàn cầu.

Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung linh kiện bán dẫn có nhiều nhưng chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19. Đầu năm 2020, nhu cầu mua sắm của người dân giảm mạnh, đặc biệt là đối với các mặt hàng điện tử và phương tiện giao thông. Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất buộc phải cắt giảm sản lượng linh kiện bán dẫn. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia phải thực hiện lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội. Khi đó, nhu cầu sử dụng máy tính xách tay, máy chơi game hay điện thoại thông minh để làm việc tại nhà của người dân tăng đột biến. Lúc này, các nhà sản xuất chuyển hướng chỉ tập trung vào sản xuất linh kiện phục vụ lĩnh vực kỹ thuật số thay vì linh kiện bán dẫn phục vụ trong các ngành công nghiệp khác như ô tô, xe máy, thiết bị y tế.

Tới đầu năm 2021, vắc xin phòng Covid-19 được triển khai mạnh mẽ dẫn đến những dự đoán tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế, tạo đà để nhiều ngành sản xuất hoạt động trở lại. Chính điều này khiến cho nhu cầu linh kiện bán dẫn tăng cao, vượt quá khả năng nguồn cung. Sự mất cân bằng chủng loại khiến các hãng sản xuất linh kiện bán dẫn trở tay không kịp, nhiều linh kiện đặc thù trở nên khan hiếm. Cùng thời điểm này, sự cố hỏa hoạn tại một nhà máy ở Nhật Bản của Hãng Renesas Electronics - công ty chiếm 30% thị phần toàn cầu về các bộ vi điều khiển được sử dụng trong ô tô càng tạo ra sức ép lớn đối với các nhà sản xuất. Tiếp đến, thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở Texas (Mỹ) khiến các hãng hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn như: Samsung Electronics, NXP Semiconductors và Infineon phải tạm thời đóng cửa các nhà máy.

Việc thiếu hụt linh kiện bán dẫn làm cho hàng loạt dây chuyền sản xuất trên toàn cầu phải tạm ngừng hoạt động. Ngành công nghiệp ô tô bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi một chiếc ô tô cần từ 50 đến 150 chíp bán dẫn, điều hành mọi tính năng từ quản lý động cơ, định vị vệ tinh dẫn đường, cho tới hệ thống phanh khẩn cấp. Khủng hoảng thiếu hụt linh kiện bán dẫn buộc nhiều công ty phải cắt giảm sản lượng, thậm chí dừng sản xuất một vài mẫu xe.

Theo Công ty Thu thập kết quả khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng IHS Markit, việc thiếu hụt linh kiện bán dẫn có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất gần 1,3 triệu xe hạng nhẹ trong quý I-2021. Hãng Điện tử Sony cho biết, mục tiêu sản xuất máy trò chơi điện tử Play Station 5 (PS5) của hãng này trong năm 2021 cũng không đạt được vì thiếu linh kiện bán dẫn.

Mặc dù lợi nhuận tăng cao khiến các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn đang dồn mọi nguồn lực để tăng sản lượng, nhưng tình hình vẫn chưa mấy khả quan. Hãng Broadcom cho biết, 90% sản lượng linh kiện bán dẫn của hãng này sản xuất trong năm 2021 đã có khách đặt. Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định chi gói hỗ trợ 37 tỷ USD nhằm thúc đẩy sản xuất chíp tại chỗ, nhưng thực tế nguồn cung chưa thể đáp ứng với quy mô toàn cầu.

Theo giới phân tích, tình trạng khan hiếm linh kiện bán dẫn chỉ hạ nhiệt nếu có sự điều tiết của chính phủ các nước cùng sự chủ động tích cực từ các nhà sản xuất.

Hoàng Linh