Để bứt phá sau dịch Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 14/04/2021

(HNM) - Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng thị trường bán lẻ tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ được sự tăng trưởng. Thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các chính sách bình ổn giá, kích thích tiêu dùng để tạo đà bứt phá sau khi dịch Covid-19 lắng xuống...

Theo thống kê của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, trong quý I-2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố ước đạt 279.045 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng khá trong quý I-2021 như: Lương thực, thực phẩm tăng 10,9%, hàng may mặc tăng 12,2%, ô tô tăng 11,5%, đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng 7,9%... Điều này cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Bước vào quý II-2021, các doanh nghiệp bán lẻ tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai nhiều kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường khuyến mãi giảm giá để kích cầu mua sắm. Đơn cử, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã triển khai chương trình khuyến mãi giảm giá hàng hóa đến 50% từ ngày 1-4. Các nhóm hàng giảm giá gồm hơn 2.500 loại hàng thực phẩm, hóa phẩm, đồ dùng, may mặc và dụng cụ nhà bếp. Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết: “Trong năm 2021, chúng tôi phấn đấu đưa doanh thu dự kiến lên tới hơn 35.360 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 4-5%; hướng đến mục tiêu mở rộng mạng lưới đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025”.

Các cấp, các ngành của thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp tục vào cuộc, trợ giúp doanh nghiệp bán lẻ phát triển. Điển hình như Sở Công Thương thành phố triển khai chính sách hỗ trợ như xúc tiến các hoạt động thương mại, liên kết với các tỉnh, thành phố trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: “Sở sẽ tổ chức nhiều hoạt động để các doanh nghiệp địa phương gặp gỡ tiểu thương ở các chợ đầu mối, tạo sự liên kết bền vững trong cung cấp nguồn hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn, cũng như thị trường cả nước. Đồng thời cấp phép cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động khuyến mãi bằng những thủ tục nhanh, gọn”.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu, nếu dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, lượng hàng bình ổn trong các tháng tiếp theo sẽ chiếm từ 25% đến 30% nhu cầu thị trường. Trong các tháng cuối năm và dịp Tết, lượng hàng bình ổn chiếm từ 25% đến 40% nhu cầu thị trường. Nếu thành phố phải bước vào giai đoạn ứng phó khẩn cấp để phòng, chống dịch Covid-19, lượng hàng bình ổn chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu thị trường. Các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường bao gồm khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành Y tế) với 65,65 triệu cái/3 tháng, nước rửa tay sát khuẩn với 4,52 triệu chai/3 tháng; 10 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô…), đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: “Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ưu đãi về vốn vay, thuế, đồng thời từng bước tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy mở rộng kinh doanh, phát triển hệ thống bán lẻ, phục vụ nhu cầu thị trường và người tiêu dùng. Đồng thời, thành phố đồng ý với kiến nghị của Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, sẽ xây dựng các khu công nghiệp theo từng chuyên ngành để chủ động nguồn cung hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng bình ổn thị trường ở mọi cấp độ, cũng như tạo đà để kinh tế bứt phá sau khi dịch Covid-19 lắng xuống”.

Tuệ Diễm