Các ngân hàng khẳng định không liên quan đến cơn sốt giá bất động sản
Tài chính - Ngày đăng : 20:27, 14/04/2021
Việc nhiều người lao vào cơn sốt đất khiến không ít người lo ngại về nguy cơ tín dụng bất động sản bị vỡ như trước đây. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại đều khẳng định, các ngân hàng không liên quan đến những cơn sốt giá bất động sản, bởi tín dụng bất động sản vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thực tế, tín dụng bất động sản giảm dần theo các năm, nếu năm 2018-2019, tín dụng bất động sản tăng cao, vượt xa 20% (2018 là 26,76%; 2019 là 21,53%), năm 2020 gần 10% thì 3 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng gần 3%. Các ngân hàng không tập trung cho vay bất động sản, bởi đây là lĩnh vực rủi ro và không được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích.
Qua tìm hiểu các sản phẩm cho vay có liên quan đến bất động sản của ngân hàng thương mại, hiện các ngân hàng chỉ cho vay xây, sửa nhà ở theo các gói tín dụng tiêu dùng nhưng quy định cụ thể về lãi suất, hạn mức vay, thời gian. Còn với khách hàng vay mua căn hộ, nhà của dự án, các ngân hàng thương mại đều có những điều kiện cụ thể về tính pháp lý của dự án, cũng như khả năng trả nợ của từng khách hàng. Cho đến nay, chưa có ngân hàng nào triển khai sản phẩm cho vay để mua nhà ở cá nhân hay sang nhượng đất nền.
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) khẳng định, quy trình cho vay mua nhà của ngân hàng được thực hiện theo đúng quy trình và được kiểm tra, kiểm soát khá nghiêm ngặt. Theo đó, người vay phải có tài sản thế chấp là bất động sản và các ngân hàng chỉ cho vay tối đa 70% giá trị bất động sản được thế chấp. Bên cạnh đó, người vay phải chứng minh thu nhập, tức là khả năng trả nợ bằng tiền lương, kinh doanh của gia đình… mới được vay vốn.
Lãnh đạo của các ngân hàng khác cũng cho biết, không có chuyện ngân hàng cho cá nhân vay vốn để kinh doanh, mua bán đất nền và gần như không có ngân hàng nào cấp tín dụng để mua đất nền giá cao. Chẳng hạn như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng từ chối các khoản vay đầu tư, kinh doanh đất nền. Đối với lĩnh vực tín dụng bất động sản, Vietcombank chỉ cho vay đối với khách hàng mua nhà để ở tại các dự án đã được chính quyền địa phương cấp phép; hoặc cho vay xây, sửa nhà đối với người dân. Tuy nhiên, quy trình vay vốn, hạn mức tín dụng cũng như thời gian vay được quy định rõ ràng, cụ thể trong hợp đồng vay vốn và tuân thủ quy định của Vietcombank nói riêng, cũng như Ngân hàng Nhà nước nói chung.
Không riêng Vietcombank hay LienVietPostBank, các ngân hàng khác cũng nói “không” với tăng trưởng tín dụng bất động sản, bởi bài học về “cục máu đông” nợ xấu do vỡ tín dụng bất động sản mấy năm trước vẫn còn và cho đến nay nhiều ngân hàng vẫn phải tiếp tục xử lý nợ xấu.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản. Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, ngay khi tình hình bất động sản có những dấu hiệu “nóng”, Ngân hàng Nhà nước đã giám sát và cũng có cảnh báo tới các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng phải bảo đảm mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ; tín dụng phù hợp với cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng để phòng rủi ro về chênh lệch kỳ hạn, chênh lệch tiền, đảm bảo khả năng chi trả cho người dân ở bất cứ thời điểm nào.