Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long: Hồi sinh lảy Kiều
Xã hội - Ngày đăng : 18:53, 16/04/2021
Đây là thành quả mà nghệ sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng các nghệ sĩ âm nhạc dân tộc dốc sức thực hiện trong hơn một năm, nhằm hồi sinh lối hát truyền thống gắn với "Truyện Kiều". Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long về dự án này.
- Dự án “Ngâm Kiều toàn truyện” đã được anh ấp ủ từ lâu. Anh có thể chia sẻ rõ hơn với độc giả Hànộimới Cuối tuần về hành trình đưa ý tưởng trở thành hiện thực?
- Tôi biết đến "Truyện Kiều" từ ngày thơ bé qua lời ru, tiếng ngâm của bà. Đến khi học nhạc tôi mới nghĩ: Ngâm Kiều hay như vậy mà tới thời điểm này không có một dự án, tác phẩm nào giới thiệu "Truyện Kiều" bằng lối ngâm. Tuy nhiên, đây là dự án quá lớn, ngâm 3.254 câu Kiều là điều mà một cá nhân không thực hiện được. Đầu năm 2020, trong lúc ở nhà tránh dịch Covid-19, tôi chia sẻ ý tưởng với nghệ sĩ Phạm Đình Dũng, biên tập viên của nhóm Xẩm Hà thành, anh hưởng ứng luôn. Dự án được triển khai từ tháng 3-2020 và đã hoàn thiện, lần lượt ra mắt khán giả từ ngày 1-4 đến ngày 24-4 vào 20h các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy.
- Có nhiều nghệ sĩ tham gia dự án này. Điều gì giúp kết nối các nghệ sĩ, nhất là khi kinh phí cho dự án rất hạn chế, thưa anh?
- Rất may là trong quá trình hoạt động, nghiên cứu âm nhạc truyền thống và vực dạy dòng xẩm Hà Nội từ năm 2005 đến nay, tôi may mắn có sự đồng hành của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ tài danh, chính họ đã giúp tôi biến mơ ước thành hiện thực. Tuy nhiên, không ai hình dung được là khối lượng ngâm nhiều như vậy, sau khi mix âm thanh lên tới 10 giờ.
Ca sĩ Thúy Nga, diễn viên Nhà hát Chèo Quân đội chia sẻ rằng chị ngâm Kiều rất nhiều nhưng chưa bao giờ ngâm đến mấy trăm câu như trong dự án này. Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thúy Ngần bảo, xong là mỏi hết cả người vì mỗi lần thu phải ngâm liên tục mấy giờ liền để giữ nguyên cảm xúc. NSND Thanh Hoài đã 72 tuổi nhưng vẫn dành thời gian đến phòng thu. Nghệ sĩ chèo Chu Cường hỗ trợ phòng thu... Các nghệ sĩ đều dành nhiều thời gian, tâm huyết vì nhận thấy đây là một dự án vì nghệ thuật dân tộc, tôn vinh một lối hát sinh ra từ "Truyện Kiều" và chắp cánh cho "Truyện Kiều" đến với người dân Việt.
Bên cạnh đó, chúng tôi may mắn có được sự đồng hành của Quỹ Thiện tâm thuộc Tập đoàn Vingroup. Khoản tài trợ tuy không đủ để sản xuất toàn bộ phần âm thanh, tôi phải bỏ thêm một khoản tiền lớn so với thu nhập của mình, nhưng đó là động lực thôi thúc tôi hoàn thành dự án này.
- Dự án đặc biệt có ý nghĩa trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản "Truyện Kiều", nhưng vấn đề công chúng thì sao, thưa anh?
- Chúng tôi xác định ngâm Kiều cũng như tất cả các loại ngâm thơ khác đều có một lượng khán giả riêng. Về tính chất âm nhạc, ngâm Kiều so với Sa mạc, Bồng mạc và các loại ngâm thơ cổ thì tươi tắn hơn, ít ê a hơn, sáng hơn nhưng vẫn nằm trong thể loại ngâm thơ nên cũng khó tạo được nhiều cuốn hút với người trẻ. Nhưng chúng tôi vẫn tin là sẽ có những người trẻ tiếp cận với thành quả của dự án này bởi nó rất độc đáo, thú vị và đặc biệt là phần hình ảnh minh họa được vẽ rất trẻ trung, tạo nên tinh thần thời đại của tác phẩm.
- Được biết, ngoài dự án này anh cũng đang triển khai một dự án rất hay liên quan tới xẩm Hà Nội? Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Cũng trong năm 2020, chúng tôi có một dự án nhỏ hơn nhưng cũng hết sức độc đáo, giá trị, có tầm quan trọng với nghệ thuật hát xẩm Hà Nội. Đó là việc tôi cùng NSND Xuân Hoạch phục hồi lại một bài xẩm Hà Nội đã thất truyền cách nay vài thập niên (khoảng 1980). Đó là bài xẩm “Thập ân phụ mẫu” của ông trùm xẩm Hà Nội là cụ Nguyễn Văn Nguyên. Điệu “Thập ân” và bài “Thập ân phụ mẫu” có nội dung ghi khắc công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha đã rất quen thuộc với khán giả của xẩm với 2 phiên bản. Phiên bản dân gian nhất, cổ nhất thường được biết đến qua giọng ca của cố Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu.
Phiên bản thứ 2 là bài “Thập ân phụ mẫu” do nghệ nhân Hoàng Tùng soạn lại, thường xuyên được các nghệ sĩ trình diễn. Phiên bản của cụ trùm Nguyên do cụ tự soạn ra, hát phục vụ bà con ở khu vực nội thành Hà Nội từ khu vực Khâm Thiên nơi gia đình cụ sinh sống tới khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu 36 phố phường là địa bàn hoạt động của gánh xẩm gia đình cụ biểu diễn. Một người bạn có băng của cụ trùm Nguyên đã trao lại cho NSND Xuân Hoạch, đó là cơ sở để chúng tôi ghi ra và soạn lại cả về ca từ lẫn nhạc đệm để tạo thành một bài hoàn chỉnh. Bài xẩm này sẽ được giới thiệu trên kênh YouTube mang tên nhóm Xẩm Hà thành trong thời gian tới.
- Cảm ơn anh đã chia sẻ!