49 tỉnh, thành phố đã được cấp vắc xin phòng Covid-19 đợt 2 của AstraZeneca
Xã hội - Ngày đăng : 11:12, 16/04/2021
Theo Bộ Y tế, sau hơn 1 tháng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 của AstraZeneca, Việt Nam đã tiêm cho khoảng 70.000 người. Trong đợt tiêm này, hệ thống giám sát của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.
Ngoài ra, có khoảng một phần nghìn trường hợp (tương ứng với 5 trường hợp) có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử lý theo đúng quy định. Hiện, sức khỏe của những người này đều ổn định, họ đã trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam thấp hơn các nước khác, thậm chí thấp hơn các phản ứng sau tiêm ở một số loại vắc xin đã tiêm từ nhiều năm nay tại Việt Nam, như vắc xin "5 trong 1".
Cũng theo Bộ Y tế, thời gian qua, khi triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1, quy trình tiêm vắc xin Covid-19 của Việt Nam khác với các nước, làm rất chặt chẽ, thận trọng với tinh thần "tiêm đến đâu an toàn đến đó". Đặc biệt, diện trì hoãn tiêm và chống chỉ định tiêm của Việt Nam rộng hơn các nước. Tính đến nay, nước ta cũng không ghi nhận có bất cứ trường hợp nào bị huyết khối sau tiêm. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tiêm vắc xin AstraZeneca.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng Covid-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước. Ngoài 117.600 liều vắc xin phòng Covid-19 trong đợt 1, hiện Bộ Y tế đang phân bổ 811.200 liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, do chương trình Covax Facility tài trợ, về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Hiện đã có 49/63 tỉnh, thành phố tiếp nhận vắc xin phòng Covid-19 đợt 2; 14 tỉnh còn lại sẽ tiếp tục được cấp trong thời gian tới. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương lập kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo đúng đối tượng đã nêu rõ trong Nghị quyết 21 và hoàn thành việc tiêm chủng trước ngày 5-5 (sớm hơn kế hoạch đề ra trước đó là 10 ngày).
Tại cuộc họp, đại diện WHO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định, với những lợi thế mang lại vượt trội hơn nguy cơ, vắc xin là một trong những biện pháp phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, vắc xin không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp như đã thực hiện hơn 1 năm qua.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai tiêm nhanh, không để vắc xin hết hạn mà không tiêm. Hiện, Bộ Y tế đã đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng lên rất cao.
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 1888/QĐ-BYT về việc thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng. Ban Chỉ đạo bao gồm các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trên cả nước trong tất cả lĩnh vực (đặc biệt về điều trị) thường trực hỗ trợ các địa phương xử lý các trường hợp quá mẫn nặng sau tiêm, kể cả trường hợp huyết khối có thể xảy ra.