Cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh: Nhiều kỳ vọng, không ít băn khoăn
Giáo dục - Ngày đăng : 07:08, 16/04/2021
Kỳ vọng thay đổi cách dạy, cách học
Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trên cả nước từ năm học 2011-2012, hằng năm thu hút hàng nghìn học sinh tham gia tranh tài ở cuộc thi các cấp.
Tháng 11-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành “Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông”. Ban đầu, mỗi đơn vị được gửi không quá 6 dự án dự thi cấp quốc gia. Từ năm học 2019-2020, Bộ chỉ cho phép mỗi đơn vị gửi tối đa 2 dự án, trừ thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị đăng cai được gửi tối đa 4 dự án. Liên tục trong 8 năm qua (từ năm 2012 đến năm 2019), học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc tế đều đoạt giải. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh Việt Nam không thể dự thi.
Năm nay, cuộc thi khoa học, kỹ thuật tiếp tục được triển khai với mục đích khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, tăng cường vận dụng kiến thức được học để giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Cuộc thi cũng nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc khích lệ giáo viên đổi mới phương pháp dạy nhằm rèn cho học sinh kỹ năng, thói quen vận dụng kiến thức được nhà trường coi trọng từ nhiều năm nay. Việc phát động cuộc thi khoa học, kỹ thuật đã góp phần đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy, học, tạo thêm động lực cho học sinh thi đua.
Thế nhưng, khi cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2020-2021 khép lại, dư luận đã đặt khá nhiều câu hỏi và sự nghi ngại về tính thực chất của dự án giành giải Nhất: “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A (tỉnh Ninh Bình). Lý do bởi năm 2019, một dự án tương tự của học sinh trường này đã giành giải Nhất cuộc thi cấp tỉnh, giải Nhì cấp quốc gia. Cả hai dự án có cùng giáo viên hướng dẫn.
Đây không phải lần đầu tiên cuộc thi để lại những băn khoăn. Năm 2019, một số phụ huynh học sinh cho rằng, 5 trong số 15 giải Nhất cấp quốc gia có ý tưởng, giải pháp trùng lắp với kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học chuyên sâu trong và ngoài nước.
Tránh bệnh thành tích
Một trong những nguyên nhân khiến cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh mất dần ý nghĩa là do bệnh thành tích và những hệ lụy từ quyền lợi dành cho học sinh đoạt giải. Theo Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3-5-2019 ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh trung học cơ sở đoạt giải cấp quốc gia, quốc tế cuộc thi khoa học, kỹ thuật được tuyển thẳng vào trung học phổ thông. Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng sư phạm cũng có quy định học sinh trung học phổ thông đoạt giải Nhất, Nhì, Ba của cuộc thi này được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng. Từ thực tế triển khai, đã có không ít ý kiến băn khoăn cho rằng, không nên duy trì cuộc thi, hoặc bỏ chế độ ưu tiên tuyển thẳng đối với các học sinh đoạt giải.
Là địa phương có học sinh đoạt giải Ba cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2020-2021, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân (Hà Nội) Phạm Gia Hữu cho rằng, thời gian qua, cùng với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá và tổ chức dạy học, học sinh đã có chuyển biến rõ về nhận thức và hành động trong học tập, thi cử. Vì vậy, giải pháp khắc phục những hạn chế đang khiến dư luận bức xúc là điều chỉnh tiêu chí để bảo đảm phạm vi, lĩnh vực và nội dung kiến thức, kỹ năng học sinh vận dụng nằm trong chương trình đã học... Phòng tiếp tục tăng cường chỉ đạo, giám sát các nhà trường tổ chức dạy, học, đánh giá thực chất; đẩy mạnh việc dạy học theo dự án và các hoạt động trải nghiệm...
Ủng hộ việc tổ chức cuộc thi, song ông Trần Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mong muốn học sinh được thử sức và trải nghiệm với việc nghiên cứu khoa học một cách thực chất, các nhà trường không nên đặt áp lực về thành tích.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, việc duy trì cuộc thi là cần thiết, nhằm giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế, thấy được ý nghĩa của việc học khi giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Vấn đề cần xem xét lại là làm thế nào để tránh bệnh thành tích.
“Mỗi nhà trường, mỗi giáo viên phải bảo đảm sự minh bạch, thực chất trong quá trình triển khai cuộc thi nói riêng và những hoạt động giáo dục nói chung, tránh bệnh thành tích. Giáo viên có thể khơi gợi, hỗ trợ để học sinh triển khai ý tưởng, nhưng tuyệt đối không làm thay học sinh và phải coi trọng sự trung thực, đúng với khả năng. Để bảo đảm chất lượng “đầu vào”, trước khi tuyển thẳng các học sinh đoạt giải, các trường đại học cũng cần thẩm định chất lượng và sự phù hợp của dự án đối với ngành đào tạo. Cha mẹ học sinh cũng không nên đặt áp lực về thành tích mà làm thay con, khiến cho quá trình giáo dục không thực chất, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của học sinh”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhận định.