Hà Nội cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi: Phát triển tập trung, quy mô lớn

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:03, 16/04/2021

(HNM) - Phát triển chăn nuôi không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng từ 4,2% trở lên của ngành Nông nghiệp Thủ đô trong năm 2021. Với ưu thế đã được khẳng định, thời điểm hiện tại, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi theo hướng phát triển tập trung, quy mô lớn.

Thành phố Hà Nội đã phát triển được 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực, với 5.351 trang trại. Trong ảnh: Chăn nuôi gà tại một trang trại ở xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ). Ảnh: TTXVN

Khẳng định được ưu thế

Trong bối cảnh bất lợi do dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19, về cơ bản, các trang trại, hộ chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn trên địa bàn Thủ đô duy trì được ổn định sản lượng thịt cung cấp ra thị trường.

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Khổng Văn Hưng ở xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn) hiện có 300 lợn nái, hơn 1.000 lợn thương phẩm, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng trăm con lợn giống và hàng chục tấn thịt lợn, mang lại doanh thu 1-2 tỷ đồng/ năm. "Trang trại của tôi được đầu tư hệ thống chuồng khép kín, ứng dụng công nghệ cao theo hướng an toàn sinh học. Nhờ vậy, sản lượng thịt lợn thương phẩm cung cấp cho thị trường luôn ổn định và bảo đảm chất lượng, được khách hàng tin dùng", ông Khổng Văn Hưng chia sẻ.

Là một trong các vùng chăn nuôi trọng điểm của thành phố, hiện toàn xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) có 65 trang trại chăn nuôi lợn và 55 trang trại chăn nuôi gia cầm được quy hoạch tập trung xa khu dân cư. Theo Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Quang Khải, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư không những giúp kiểm soát tốt dịch bệnh mà còn tạo điều kiện cho các hộ dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Doanh thu của các trang trại đạt 2-10 tỷ đồng/năm, cá biệt có trang trại chăn nuôi công nghệ cao đạt tới 20-25 tỷ đồng/năm.     

Trao đổi về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Đến nay, Hà Nội đã phát triển được 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực, với 5.351 trang trại. Nhờ việc phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn và kiểm soát tốt dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của thành phố phát triển ổn định. Hiện đàn gia cầm của Hà Nội có 39 triệu con, tăng 5,51% và đàn lợn đạt khoảng 1,36 triệu con, tăng 18,18% so với cùng kỳ năm trước.

“Một trong những nhân tố quyết định hiệu quả phát triển lĩnh vực chăn nuôi là chất lượng con giống. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã từng bước cơ cấu lại hệ thống, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất con giống. Mặt khác, khảo sát thực tế cho thấy, sản xuất trang trại tập trung quy mô lớn đã khẳng định được ưu thế trong việc bảo đảm phát triển sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và mang lại thu nhập cao, ổn định cho người chăn nuôi”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhận định.

Chăn nuôi lợn tại một trang trại ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai).

Thúc đẩy chăn nuôi theo quy hoạch

Mặc dù đã đạt được những hiệu quả bước đầu, tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, hiện các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ chưa được quản lý chặt chẽ nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm soát dịch bệnh, trong đó có các trang trại tập trung quy mô lớn. Mặt khác, công tác quản lý giống vật nuôi chưa đồng bộ và còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực cũng như những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển. Việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín dù đã hình thành nhưng vẫn ở quy mô nhỏ; các hộ chăn nuôi còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất...

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, theo ông Vũ Văn Thìn, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên), các cấp, ngành cần tạo điều kiện cho hộ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn vay của Quỹ Khuyến nông, Quỹ Hỗ trợ nông dân… Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho các trang trại trong kết nối tiêu thụ, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp...

Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi thông tin: Để thực hiện mục tiêu giảm giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt xuống còn 20,4% đồng thời tăng giá trị chăn nuôi và thủy sản lên 79,6% vào năm 2025, thời gian tới, huyện Ứng Hòa sẽ tập trung phát triển chăn nuôi quy mô lớn ở những vùng đã được quy hoạch. Huyện cũng sẽ hỗ trợ hệ thống trang trại chăn nuôi tham gia các chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm: Ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn. Cùng với việc tạo cơ chế khuyến khích các trang trại, doanh nghiệp đẩy mạnh tái đàn, nhất là đàn lợn để bảo đảm tổng đàn cuối năm 2021 đạt 1,8 triệu con, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các địa phương thúc đẩy phát triển chăn nuôi ở các vùng trọng điểm, vùng xa khu dân cư theo hướng tập trung, nhất là tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai... Thành phố cũng sẽ tạo cơ chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống, bảo đảm nhu cầu của các hộ chăn nuôi trên địa bàn và hướng tới mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm sản xuất giống vật nuôi cung cấp cho các tỉnh, thành phố.

Triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi theo hướng phát triển tập trung, quy mô lớn là hướng đi tất yếu để góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững của ngành Nông nghiệp Hà Nội trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Ngọc Quỳnh