“Để yêu một sớm ngồi nơi cửa nhà”

Sách - Ngày đăng : 10:01, 17/04/2021

(HNMCT) - Ở thời kỳ thơ không thu hút nhiều người đọc và đa số thi sĩ bỏ tiền túi để in thơ, vẫn có những “tác giả vạn bản” với những tập thơ được tái bản liên tục. Nguyễn Thiên Ngân là một trong số đó. Mạng xã hội đã và đang là “chiếu thơ” để những người trẻ như Nguyễn Thiên Ngân “cất cánh”, được độc giả “biết mặt gọi tên”.

Sinh năm 1988, Nguyễn Thiên Ngân bắt đầu nghiệp viết ngay từ khi còn học phổ thông ở phố núi Buôn Ma Thuột, và được chú ý khi đoạt giải nhất truyện ngắn cuộc thi viết “Chân dung tuổi mới lớn” do báo Mực Tím tổ chức. 17 tuổi, Nguyễn Thiên Ngân trình làng tập truyện “Những phố dài ướt mưa” thuộc Tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng. Sau đó, mỗi năm Nguyễn Thiên Ngân đều có tác phẩm mới ra mắt độc giả. Đó là các tập truyện ngắn “Hai chiếc xe khóa chặt vào nhau” (2006), “Cặp vòng mây” (2007), “Ngôi nhà mặt trời” (2008).

Giữ mạch viết đều đặn, năm 2009, truyện dài đầu tay “Đường còn dài, còn dài” của Nguyễn Thiên Ngân chào đời; và năm 2010, Ngân đánh dấu mốc với thể loại tiểu thuyết - tác phẩm “Những chuyển điệu”. "Văn chương đẹp đẽ, lãng mạn có sức cuốn hút, mời gọi tuổi trẻ ở vị ngọt ngào" là lời nhận xét dành cho “Những chuyển điệu”, một trong những tác phẩm đã đạt giải của cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ tư. Sung sức trên “mặt trận sáng tác”, Nguyễn Thiên Ngân tiếp tục có “Kỳ nghỉ của mỗi người”, “Ngày hoa hướng dương”.

Song, Nguyễn Thiên Ngân không chỉ có văn xuôi. Làm nên một Nguyễn Thiên Ngân “hot” trong lòng độc giả có lẽ là ở những vần thơ ngắn, không có tựa đề nhưng “chạm” đến tâm hồn của nhiều người trẻ lãng mạn. Trên các trang mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp những câu thơ của Nguyễn Thiên Ngân được “bày” ở đâu đó, dường như chúng được đăng lên để nói hộ tâm tình của lòng người ẩn sau tầng chữ: “Một đêm ta quá nhớ người/ Bèn gieo nỗi nhớ lên trời thành sao”; “Cây an ổn đời cây/ Gió nhởn nhơ đời gió/ Đừng cố gắng trao đi/ Những điều mình không có”.

Những tập thơ của Nguyễn Thiên Ngân, từ “Mình phải sống như mùa hè năm ấy”, “Lạ lùng sao đớn đau này” cho đến “Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời” hay “Có người sực tỉnh cơn mơ”, tập thơ nào cũng “đắt khách”, cũng được tái bản nhiều lần. Thậm chí có cuốn chỉ một ngày sau khi phát hành đã bán hết một nửa số bản in - 2.500 bản, con số mơ ước của nhiều nhà thơ. Có những người hâm mộ ngóng đợi tác phẩm của Ngân, háo hức trong mỗi lần được giao lưu, xin chữ ký tác giả thì cũng có những người lên trang thương mại điện tử để “phàn nàn”: Quyển thơ mỏng dính, bé tí và đắt khủng khiếp!

Quả thật, nếu chỉ “đếm chữ tính tiền” thì thơ của Ngân quá chừng đắt. Nếu ở tập thơ đầu “Mình phải sống như mùa hè năm ấy” với những bài thơ dài thật dài như “Mắc mưa buổi chiều”, “Ngày lên núi”, “Chúng mình đều có những niềm riêng”, “Viết vào một sáng cuối năm”, “Thơ tình của mùa hè”, “Bỗng đời mình lên một nhánh non tơ”, “Thơ nghìn năm để gửi kẻ trăm năm”... thì ở những tập sau, phần lớn mỗi trang chỉ vài ba câu: “Hay là mình bỏ cả đi?/ Giấc mơ chẳng đuổi/ Có khi lại về”; “Mai đây nhân loại mệt rồi/ Dốc đời sẽ chỉ ta ngồi với ta”... Nếu ở tập thơ đầu, Nguyễn Thiên Ngân hay “sắm vai” anh, với “Mình phải sống như mùa hè năm ấy/ Anh muốn mình sống mãi những mùa xanh!”, thì ở những tập thơ sau, trái tim đa cảm và rất đỗi dịu thương của tâm hồn phụ nữ đã hiện thật rõ nét: “Chỉ vì người hẹn một câu/ Mà ta lỡ cỡ chừng đâu một đời”; “Em là cốc nước trên bàn rượu/ Là kẻ lặng im giữa đám đông/ Là bông hoa nhỏ nơi mép phố/ Bàn tay thấu hiểu để anh cầm”...

Thơ Nguyễn Thiên Ngân hút độc giả trẻ bởi phần lớn là thơ tình, nhưng Ngân không chỉ viết về tình yêu. Trong thơ của chị có tình bạn, tri âm tri kỷ, bóng dáng của mẹ, quê hương: “Con đi chắc cũng qua dăm bể/ Cũng đến trăm sông, vạn núi rồi/ Trước ba mẹ vẫn như đứa trẻ/ Đi mà bịn rịn mãi vành nôi”. Có lẽ, sau tất cả những cuộc đi, những lần yêu, dù hạnh phúc hay đau khổ, thì cuối cùng một người bạn, một gia đình, một quê hương vẫn là nơi nương náu trở về cho những tâm hồn trẻ sau những tháng ngày khám phá, phiêu bạt: “Trải bao giông bão trong đời/ Để yêu một sớm ngồi nơi cửa nhà”.

Vân Hạ