Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:57, 18/04/2021

(HNM) - Sở Nội vụ thành phố Hà Nội vừa có tờ trình UBND thành phố Hà Nội về ban hành quy định quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố. Đây là nội dung được nhiều người quan tâm bởi phù hợp với quy định hiện hành và yêu cầu thực tiễn khi thành phố đang chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành tại các cơ quan, đơn vị.

Phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong ảnh: Cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” huyện Đan Phượng. Ảnh: Nguyễn Quang

Một số điểm chưa phù hợp

Thời gian qua, việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thực hiện theo Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13-4-2017 của UBND thành phố ban hành Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội và Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 13-4-2017 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính thuộc thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, các đầu việc được phân cấp rõ ràng nên các cơ quan, đơn vị dễ triển khai, dễ thực hiện, từng bước nâng cao trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số tồn tại cần thay đổi. Trưởng phòng Nội vụ quận Tây Hồ Đỗ Thanh Tùng cho biết: “Tại quận Tây Hồ có những thời điểm cần tuyển dụng thêm biên chế nhưng luôn phải chờ theo đợt của thành phố tổ chức nên bị trễ, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương”.

Tương tự, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho rằng, hai quyết định trên có những điểm chưa phù hợp. Cụ thể, ở Sở có chi cục và đơn vị sự nghiệp trực thuộc, thì chi cục là đơn vị hành chính thuộc Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND, còn đơn vị sự nghiệp trực thuộc lại thuộc Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND. Trong khi đó, thẩm quyền bổ nhiệm của hai đơn vị lại giống nhau về quy trình.

Đáng chú ý, kể từ thời điểm UBND thành phố Hà Nội ban hành hai quyết định trên, đến nay, Quốc hội và Chính phủ ban hành thêm 16 văn bản (3 luật, 13 nghị định) có liên quan trực tiếp đến các quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp. Trong đó có 10/13 Nghị định được ban hành trong quý III-2020 và quý IV-2020.

Tăng tính chủ động và giám sát

Theo Trưởng phòng Tổ chức, biên chế (Sở Nội vụ Hà Nội) Mai Xuân Trường, qua rà soát, nhiều nội dung quy định trong hai quyết định trên không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, Sở Nội vụ Hà Nội đã cập nhật các quy định mới và xây dựng dự thảo quy định quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố.

"Sau gần 1 tháng đưa ra dự thảo, đầu tháng 1-2021, Sở Nội vụ Hà Nội nhận được ý kiến góp ý của 82/93 cơ quan, đơn vị và thẩm định của Sở Tư pháp Hà Nội. Sở Nội vụ đã tiếp thu, hoàn thiện và trình dự thảo lên UBND thành phố, nếu được thành phố thông qua sẽ sớm đưa vào áp dụng", Trưởng phòng Tổ chức, biên chế Mai Xuân Trường cho biết.

Với 3 chương, 10 mục, 36 điều, dự thảo quy định không những gộp được hai quyết định vào thành một mà còn thay đổi kết cấu nội dung theo thẩm quyền phân cấp đối với từng cơ quan, đơn vị để thuận tiện việc tra cứu thẩm quyền, trách nhiệm cho từng cơ quan khi triển khai thực hiện; đồng thời không nhầm lẫn giữa quy định về thẩm quyền và quy định về hướng dẫn chuyên môn.  

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho rằng, dự thảo đã thể hiện rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức cá nhân giúp các cơ quan, đơn vị thuận tiện trong việc phổ biến, hướng dẫn thực hiện cũng như khi tra cứu, kiểm tra.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, huyện cơ bản thống nhất với bố cục và nội dung dự thảo; đồng thời đề nghị xem xét, phân cấp lại thẩm quyền cho UBND huyện và chủ tịch UBND huyện thực hiện “thẩm định việc tiếp nhận viên chức, công chức cấp xã từ địa phương khác về làm việc tại UBND cấp xã” (thay vì phân cấp cho Sở Nội vụ như dự thảo), để công tác nhân sự được triển khai kịp thời. 

Việc ban hành quy định mới thay thế các quy định cũ là rất cần thiết. Để bảo đảm hiệu quả, từng cơ quan, đơn vị cần chủ động và công khai, minh bạch trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền liên quan đến tổ chức bộ máy. Cùng với đó, Sở Nội vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra và có hậu kiểm việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, nhằm góp phần đạt được mục tiêu cốt lõi là nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước.

Hiền Thu