Chuyển đổi đất lúa, hình thành vùng nông nghiệp giá trị
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:31, 19/04/2021
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, giai đoạn 2017-2020, huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang hoa - cây cảnh, dược liệu, cây ăn quả được 428,9ha, cho thu nhập cao hơn trồng lúa 5-7 lần; không có đất 2 lúa bị bỏ hoang... Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) chia sẻ, nhờ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập 4-7 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông trồng hoa theo hướng công nghệ cao, thu 500 triệu đồng/ha/năm...
Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, 5 năm qua, toàn huyện chuyển đổi được 1.017ha đất lúa trũng kém hiệu quả, hình thành các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản... giá trị thu nhập từ các vùng chuyển đổi đều đạt 300-800 triệu đồng/ha, gấp 5-7 lần cấy lúa...
Không riêng hai địa phương trên, nhiều quận, huyện, thị xã có đất lúa kém hiệu quả cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Giai đoạn 2017-2020, toàn thành phố chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đạt 7.762ha.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa nhận xét: Nhìn chung, công tác chuyển đổi trên đất trồng lúa tại Hà Nội phát huy hiệu quả, giữ vững an ninh lương thực, hình thành nhiều vùng sản xuất cây trồng có thế mạnh, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm an toàn; hình thành các chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ nông sản hiệu quả… Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, cây ăn quả cho giá trị cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa và khai thác tối đa nguồn lực từ đất, mỗi mô hình đạt từ 330 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn còn một số bất cập. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, thực tiễn ở Ứng Hòa cho thấy, ruộng đất manh mún, quy hoạch chưa hợp lý, chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng xuống cấp; việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết trong khâu tiêu thụ... Đồng quan điểm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho rằng, quy định hiện nay về việc không được xây dựng tường rào bảo vệ trên đất trồng lúa cũng khiến nông dân chưa yên tâm đầu tư trồng cây lâu năm…
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Hà Nội dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với tổng diện tích khoảng 20.000ha nhằm thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, nâng cao hiệu quả sản xuất, khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang...
Để hoàn thành mục tiêu này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đề xuất cấp thẩm quyền có chính sách, giải pháp xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chế biến nông sản; xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhân rộng điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi; chú trọng nâng cao giá trị nông sản...