Khoảng 55 tỷ USD kiều hối về thành phố Hồ Chí Minh trong gần ba thập kỷ qua
Đời sống - Ngày đăng : 19:11, 20/04/2021
Chiều 20-4, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ vinh danh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc về công tác người Việt Nam ở nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020.
Tại buổi lễ, 17 tập thể và 33 cá nhân được vinh danh vì những thành tích xuất sắc trong hỗ trợ công dân Việt Nam đầu tư, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, y học, hợp tác giảng dạy, đào tạo và tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội… trong giai đoạn 2018-2020.
Trong số những cá nhân được vinh danh, có PGS.TS Vũ Minh Khương với đề xuất Trường Chính sách công Lý Quang Diệu chọn thành phố Hồ Chí Minh làm mô hình nghiên cứu cho môn học “Governance Study Project (GSP)”. Kết quả từ việc nghiên cứu và thực tập của các sinh viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu là một ý kiến tham khảo để thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái được vinh danh với nhiều đóng góp. Đặc biệt, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, ông đã có ý kiến góp ý nghiên cứu vắc xin phòng ngừa dịch Covid-19 sử dụng công nghệ tạo vắc xin VLP (virus like particle). Ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Y tế thành phố nghiên cứu.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, những cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã thu hút hơn 300 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về hợp tác, nghiên cứu, giảng dạy, làm việc dài hạn. Chỉ riêng Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết với 200 trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Võ Thành Chất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã mạnh dạn vận dụng thực hiện một số chính sách cụ thể về bố trí, sử dụng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc thành phố, như: Viện Khoa học tính toán, Viện Nghiên cứu sinh học, Khu công nghệ cao thành phố… với chế độ làm việc bán thời gian và cấp kinh phí hỗ trợ đặc biệt để hoạt động.
Việc xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia đã tạo động lực mới trong khơi gợi tinh thần yêu nước, kêu gọi tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Quy chế thu hút chuyên gia được tổ chức thực hiện có tính chuyên nghiệp và hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng nhằm vận động và tập hợp nguồn chất xám của trí thức kiều bào phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu lâu dài và đột phá của thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, thành phố mong muốn kiều bào trên khắp thế giới tiếp tục chung sức với Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố, đóng góp tích cực trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố. Lãnh đạo thành phố trân trọng những ý kiến tư vấn, tham mưu của các chuyên gia, nhà khoa học kiều bào, nhằm giúp đất nước nhanh chóng tiếp cận với trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.
Từ năm 1993 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương nhận kiều hối nhiều nhất nước với khoảng 50% tổng lượng kiều hối của cả nước. Cụ thể, đến nay thành phố đã tiếp nhận khoảng 55 tỷ USD kiều hối, lượng kiều hối luôn có sự gia tăng hằng năm, kể cả trong những giai đoạn xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực.
Lễ vinh danh đã thể hiện tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tuyên truyền đến kiều bào về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, những kết quả nổi bật về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.