Các cơ quan Đảng, chính quyền phải đi đầu trong chuyển đổi số
Đời sống - Ngày đăng : 11:45, 23/04/2021
TFP đóng góp trên 50% tăng trưởng GRDP
Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” là một trong ba chương trình công tác hoàn toàn mới. Chương trình nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh rất lớn của Hà Nội về khoa học, công nghệ với tư cách là trung tâm tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu, nhiều nhà khoa học và đội ngũ trí thức nhất cả nước.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Chương trình số 07-CTr/TU nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Định lượng rõ hơn mục tiêu chung nêu trên, chương trình đề ra 5 mục tiêu cụ thể.
Thứ nhất là xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước; tiến tới nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu cơ bản về toán, vật lý và y học.
Thứ hai là trở thành đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Thứ ba là hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045.
Thứ tư là trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; là một trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á.
Thứ năm là cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tiếp tục xây dựng thành phố thông minh.
Các mục tiêu này được cụ thể hóa thành 7 nhóm chỉ tiêu. Trong đó, thành phố phấn đấu đạt năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); tốc độ tăng năng suất lao động đạt 7-7,5%; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% trên tổng sản phẩm nông nghiệp; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%...
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, Chương trình số 07-CTr/TU xác định 4 yêu cầu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Trong đó, Thành ủy yêu cầu phải thực hiện thường xuyên, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong triển khai chương trình. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, trước hết là người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Trong triển khai chương trình, cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trên cơ sở khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm lực khoa học và công nghệ trong và ngoài nước; dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú trọng các nguồn lực xã hội, nguồn lực từ doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ...”, đồng chí Nguyễn Văn Phong thông tin.
Nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên được Thành ủy Hà Nội xác định trong chương trình là tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cụ thể là nghiên cứu, đề xuất Trung ương hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...; cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Ngoài ra, để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển các giải pháp đồng bộ về tài chính và đầu tư; khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2025, tổng đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt trên 1% GRDP Thủ đô.
“Thành phố cũng sẽ phối hợp xây dựng, phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia, là mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, là vùng lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc...”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.
Đáng chú ý, Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập, Hà Nội sẽ chú trọng xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” để tham vấn, giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.