Thành phố Hồ Chí Minh: Cải thiện thực chất môi trường đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 06:49, 23/04/2021
Vẫn còn "điểm nghẽn"
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố quý I-2021 tăng 4,58% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, cũng trong khoảng thời gian này, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn giảm 21%, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 14 cả nước với 65,7 điểm, giữ nguyên thứ hạng so với năm 2019, nhưng giảm 4 hạng so với năm 2018.
Tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, tại quận 7, một dự án bệnh viện làm thủ tục chuyển từ chuyên khoa sang đa khoa phải kéo dài 2 năm. Ngoài ra, thành phố còn hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng đô thị bị chậm tiến độ vì chưa có mặt bằng thi công... Đây chính là những "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển của thành phố.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, để phát huy tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thành phố cần tháo gỡ những vướng mắc, trong đó nổi lên là cơ sở hạ tầng của thành phố chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Còn theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế xin - cho là một trong những lực cản khiến thành phố Hồ Chí Minh chưa thể bứt phá.
Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Phạm Phú Trường cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh là "điểm đến" mà nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, để giữ chân được nhà đầu tư, thành phố cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tham gia những dự án trọng điểm, dự án đầu tư lớn, các tổ hợp kinh tế lớn của thành phố.
Đồng hành với người dân và doanh nghiệp
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI năm 2021, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho biết, thành phố sẽ triển khai 10 nhóm giải pháp. Trong đó, đối với nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính, thành phố đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp so với quy trình hiện nay; thường xuyên rà soát những khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là các dự án trọng điểm và đưa vào chương trình làm việc của Tổ công tác đầu tư của thành phố…
Đối với nhóm giải pháp về tiếp cận nguồn lực đất đai, thành phố sẽ công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, minh bạch hóa trong việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, nhà đầu tư... Về vấn đề tiếp cận nguồn lực tài chính, thành phố tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng công bằng, với lãi suất ưu đãi...
"Ngoài ra, thành phố cũng thực hiện các nhóm giải pháp về công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trên địa bàn thành phố; về chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ; về quy hoạch và xây dựng; về lao động và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; nhóm giải pháp khắc phục tác động của dịch Covid-19...", đồng chí Trần Anh Tuấn thông tin thêm.
Dưới góc độ địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) Hoàng Tùng cho biết, một trong những giải pháp để thu hút đầu tư vào Thủ Đức là phát huy nguồn lực đất đai thông qua xây dựng kế hoạch sử dụng đất hiệu quả. Do đó, Thủ Đức sẽ chú trọng đổi mới trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, thành phố tiếp tục nâng chất và làm tốt hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt, thành phố sẽ chú trọng khâu tổ chức thực hiện, chuyển động toàn hệ thống chính quyền đưa chính sách đi vào thực tiễn. “Thành phố Hồ Chí Minh kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây cản trở; đổi mới quy trình xử lý công việc với tinh thần đột phá, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, nhằm cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định.