Hà Nội: GRDP đầu người đạt 8.300-8.500 USD vào năm 2025
Kinh tế - Ngày đăng : 10:44, 23/04/2021
Kiểm soát tốt dịch Covid-19
Chương trình số 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” có kết cấu 3 phần, gồm: Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2015-2020; mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2021-2025 và tổ chức thực hiện. Ngoài ra, chương trình còn có 6 phụ lục, 1 biểu danh mục các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chương trình.
Chương trình đặt ra 5 mục tiêu cụ thể, đó là: Kiểm soát dịch Covid-19 và thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép”; phục hồi tăng trưởng kinh tế với các giải pháp đồng bộ gắn với đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo bước đột phá về phát triển kinh tế; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, Chương trình số 02-CTr/TU có 11 chỉ tiêu chủ yếu, nổi bật, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7,5-8%; GRDP bình quân/người 8.300-8.500 USD; cơ cấu kinh tế là: Dịch vụ chiếm 65-65,5%; Công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5-23%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4-1,6%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 3,1-3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành, tăng 12,5-13,5%/năm).
Ngoài ra, thành phố phấn đấu đạt tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; kim ngạch xuất khẩu đạt 20,47 tỷ USD; số lượt khách du lịch đón và phục vụ đạt từ 35-39 triệu lượt khách, trong đó có từ 8-9 triệu lượt khách quốc tế...
Tập trung tái cơ cấu, phát triển kinh tế nhanh, bền vững
Đi sâu vào phân tích 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, nhiệm vụ, giải pháp số một là hoàn thiện thể chế, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh.
Trong đó, thành phố xác định mục tiêu quan trọng là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Trung ương để sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô đáp ứng nhiệm vụ phát triển trong thời kỳ mới (đặc biệt là các cơ chế, chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã tồn tại, kéo dài qua nhiều năm, trải qua nhiều thời kỳ, chính sách khác nhau như vấn đề chung cư cũ, đất dịch vụ). Hà Nội đồng thời xác định trước mắt tập trung đề xuất Trung ương phê duyệt Quy hoạch xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; sửa đổi bổ sung Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô; sửa đổi Luật Thủ đô; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan...
Song song, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực để thúc đẩy phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô. Hà Nội cũng sẽ tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô.
Đồng chí Chu Ngọc Anh nêu rõ, việc triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU phải tiến hành đồng bộ, liên tục, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có lộ trình cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế...
Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý, Chương trình số 02-CTr/TU có tính chất tương đối tổng hợp, các nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Do vậy, hệ thống những chỉ tiêu, đề án của chương trình sẽ tập trung chính vào mục tiêu tái cơ cấu, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, một giải pháp lớn để thực hiện hiệu quả chương trình là đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng của Thủ đô trong giai đoạn tới như phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng logistics, ... và đặc biệt đối với 2 đột phá lớn, rất mới hiện nay, đó là: “Phát triển hạ tầng viễn thông thế hệ mới” và “Phát triển hạ tầng khoa học công nghệ và ưu tiên phát triển thị trường khoa học - công nghệ đồng bộ với các thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường hàng hóa”.
Đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, cần có những giải pháp cụ thể hóa, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, ý chí, khát vọng vươn lên để thực sự tạo thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.