Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Kinh tế - Ngày đăng : 14:34, 23/04/2021
Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04. Cùng dự có các đồng chí Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04.
96,3% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2021, việc thực hiện Chương trình số 04 trên địa bàn thành phố đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Đối với xây dựng huyện nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận thêm 5 huyện (Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn) đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới lên 12/18 huyện, thị xã. Đối với 5 huyện còn lại, có 3 huyện (Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 và 2 huyện (Ba Vì, Mỹ Đức) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố đã làm việc với các địa phương trên và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhằm hoàn thành mục tiêu.
Về xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Hà Nội có 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao, đang phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.
Đối với công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, thành phố duy trì ổn định các ngành trồng trọt và chăn nuôi. Đến hết quý I, thành phố có 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đã xây dựng được 14 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn; xây dựng Đề án "Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại thành phố Hà Nội”. Thành phố tiếp tục duy trì và phát triển 1.255 hợp tác xã nông nghiệp; 1.558 trang trại; 1.350 làng nghề..., góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế nông thôn.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU trong quý I-2021 còn một số khó khăn, như: Trung ương chưa ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo mức độ (nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 để các địa phương căn cứ thực hiện; nguồn lực cho công tác xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội chưa nhiều; tình trạng nông dân bỏ ruộng, không sản xuất nông nghiệp vẫn còn và có chiều hướng gia tăng; thu nhập và đời sống của nông dân còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô...
Tham luận tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị thành phố quan tâm, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nguồn lực để địa phương hoàn thành mục tiêu các tháng cuối năm. Là huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2021, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng đề nghị thành phố cho phép huyện phát triển thêm các điểm công nghiệp làng nghề để tách sản xuất ra khỏi khu dân cư; có cơ chế cho các huyện lên quận về nguồn vốn, ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản...
Ba huyện khác: Chương Mỹ, Ứng Hòa và Mê Linh đăng ký hoàn thành huyện nông thôn mới năm 2021 cũng đề nghị thành phố hỗ trợ thêm nguồn vốn để đầu tư các dự án về hạ tầng; chỉ đạo các doanh nghiệp nước sạch đẩy mạnh tiến độ cấp nước cho người dân; đầu tư chợ đầu mối về nông sản... Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho biết, thu ngân sách của huyện Ứng Hòa rất thấp, chỉ đáp ứng được 10% chi ngân sách của huyện nên khó bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn trên địa bàn huyện xuống cấp; thu nhập bình quân đầu người đến quý I-2021 mới đạt 51 triệu đồng/người/năm...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới 10 năm qua đã tạo được những nền tảng quan trọng. Bước sang giai đoạn mới, cần có nhìn nhận, đánh giá, định hướng phù hợp thời kỳ mới, như: Một số nội dung như xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa; hoàn thành xây dựng nông thôn mới đối với các xã, huyện còn lại theo kế hoạch; tiếp tục xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; huy động nguồn lực sát thực, khả thi...
Xây dựng nông thôn mới tích hợp với phát triển đô thị, sinh thái
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, trong quý I, Hà Nội đã đạt kết quả rất phấn khởi trong thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU. Đây là tiền đề rất quan trọng để thành phố tiếp tục triển khai nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.
Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng chỉ ra tồn tại trong thực hiện Chương trình số 04, đó là tư tưởng của một số huyện, xã đã về đích nông thôn mới bằng lòng với kết quả đạt được, chưa nỗ lực, cố gắng đạt mục tiêu cao hơn. Bên cạnh đó, chưa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, chưa có mô hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ quy mô lớn...
Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị sớm ban hành kế hoạch của Ban Chỉ đạo thành phố; phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo thuộc các sở, ngành bảo đảm phù hợp đặc điểm từng địa phương. Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ bảo đảm tiến độ các đề án, kế hoạch đề ra. Trong đó, lưu ý đến chỉ tiêu 70% giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chỉ tiêu về vùng sản xuất tập trung; trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP; tập trung vào công tác chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch... Thành phố cũng sẽ tiếp tục quan tâm đến xây dựng nông thôn mới tích hợp với phát triển đô thị, sinh thái.
Đối với các huyện, thị xã, trên cơ sở kế hoạch của thành phố, cần rà soát lại các nhiệm vụ, nhất là đối với 5 huyện chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới để tập trung hoàn thành. Với các huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cần rà soát các tiêu chí để xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm thống nhất với các sở, ngành và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo UBND thành phố xem xét phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Trung tâm thiết kế, sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia" tại thành phố Hà Nội.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng mô hình thí điểm về xử lý chất thải, nước thải làng nghề, cụm công nghiệp, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Sở Xây dựng sớm nghiên cứu phương án đưa nước mặt sông Đà về các huyện: Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức để đẩy mạnh tỷ lệ cấp nước cho nông thôn.
Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tổng hợp kiến nghị của địa phương, tham mưu Ban Chỉ đạo giao các sở, ban, ngành thành phố tập trung giải quyết.
Thành phố cũng nghiêm cấm việc “biến” đất nông nghiệp thành đất ở đối với các mô hình kinh tế trang trại, yêu cầu các địa phương phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ cơ sở.