Xúc tiến tiêu thụ nông sản Thủ đô: ''Chìa khóa'' để phát triển bền vững

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:53, 23/04/2021

(HNM) - Nhằm đẩy mạnh khâu tiêu thụ nông sản an toàn, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước đẩy mạnh khâu tiêu thụ nông sản... Nhờ đó, nhiều mặt hàng nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp Thủ đô.

Khách tham quan một gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Kết nối tiêu thụ nông sản tại Hà Nội, tháng 12-2020.

Hiệu quả bước đầu

Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh việc kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn thông qua hội chợ, hội nghị, hội thảo để doanh nghiệp và người sản xuất tìm hiểu thông tin, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các hội, đoàn thể nhằm đưa người tiêu dùng chủ yếu là phụ nữ tham quan khu sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm để quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Đông thông tin, để quảng bá sản phẩm gà đồi Sóc Sơn tới người tiêu dùng Thủ đô, thời gian qua, hội đã tham gia các hội chợ trên địa bàn thành phố, qua đó đã ký kết được một số hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, ngoài bán sản phẩm thịt gà cho các bếp ăn tập thể, chuỗi sản xuất và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn còn cung cấp cho thị trường mỗi ngày khoảng 100kg gà thịt đã qua giết mổ, sơ chế, bao gói, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) Nguyễn Thế Lâm cho biết, với quy mô 20ha chuyên trồng các loại quả như: Ổi, đu đủ, bưởi, táo... từ khi xây dựng được thương hiệu chứng nhận vùng trồng quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, tham gia công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ qua các hội chợ, kênh bán hàng trực tuyến (online), đến nay, các sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt tại nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch của các tỉnh, thành phố, doanh thu trung bình 500-700 triệu đồng/ha/năm.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản an toàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, trung bình mỗi năm, ngành Nông nghiệp Hà Nội tổ chức 3-4 hội chợ, hàng chục hội nghị tuyên truyền sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo chuỗi thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội.

Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Bùi Thanh Hương thông tin, để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, những năm gần đây, Hà Nội thúc đẩy kết nối thông qua loại hình thương mại điện tử, giới thiệu các doanh nghiệp, người sản xuất và xây dựng chợ thương mại điện tử www.chonhaminh.gov.vn chuyên về sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, sàn thương mại điện tử này đã tạo lập được hơn 200 gian hàng cho các doanh nghiệp, chuỗi giá trị, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn. Qua các hội chợ, triển lãm, tuần hàng và kênh phân phối của Hà Nội, nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của các địa phương đã được người tiêu dùng cả nước biết đến, sản lượng bán ra tăng 20-30% so với trước đây.

Đa dạng hình thức tiêu thụ nông sản

Từ nay đến cuối năm 2021, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất về khâu tiêu thụ nông sản, theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bữa ăn an toàn (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thái Hoàng, thời gian tới, công ty tiếp tục kết nối với các đơn vị, hợp tác xã sản xuất sản phẩm nông sản đặc sản của Hà Nội để tiêu thụ qua hệ thống của công ty, từng bước tạo uy tín và niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, mang đến những bữa ăn thơm ngon, chất lượng tốt cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng, người dân, hợp tác xã phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho hay, thời gian tới, Mê Linh sẽ giám sát chặt chẽ việc ký hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa người dân với thương lái để bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm khâu đầu ra. Việc kiểm soát này không chỉ hạn chế tối đa tình trạng nông sản mất giá mà còn giữ vững thương hiệu nông sản vùng chuyên canh Mê Linh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại theo vùng để thúc đẩy liên kết vùng trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu lớn, sản lượng lớn, năng suất cao phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Về phía các địa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, trồng trọt, hướng tới an toàn, chất lượng, quy mô và bảo đảm an toàn thực phẩm; tạo cơ hội tiếp cận và nâng cao kỹ năng trong công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại.

Ngoài việc tổ chức các hội chợ, hội nghị, hội thảo, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các hội chợ, kết nối, giao thương để doanh nghiệp và người dân ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua chợ thương mại điện tử.

Quỳnh Dung