Nắm vững và thực hiện sáng tạo Nghị quyết của Đảng để góp phần xây dựng Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 08:33, 23/04/2021
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy.
Tham dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Trưởng các ban Đảng Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND thành phố; Thành ủy viên; lãnh đạo cấp ủy các quận, huyện, thị xã, đảng bộ trực thuộc Thành ủy, đảng bộ xã, phường, thị trấn; các báo cáo viên thành phố... Hội nghị được kết nối tới 611 điểm cầu với tổng số hơn 35.000 cán bộ các cấp tham dự.
Hướng tới mục tiêu xây dựng cuộc sống tiện nghi và hạnh phúc cho cư dân đô thị
Mở đầu hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã thông tin về Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, phát triển đô thị chính là sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội; hướng tới mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị khá giả hơn, cuộc sống tiện nghi và hạnh phúc hơn. Chính vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 03-QĐ/TƯ ngày 5-4-2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng ban Chỉ đạo, cho thấy vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển đô thị và kinh tế đô thị trong giai đoạn hiện nay.
Đánh giá những kết quả đạt được trong công tác chỉnh trang đô thị của nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, giai đoạn 2016-2020, thành phố chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh đồng thời với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, khu vực phố cổ. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi.
Thành phố cũng đã phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng khung về giao thông, đường sắt đô thị kết nối liên vùng và các khu vực đô thị của thành phố; hoàn thành Chương trình trồng 1 triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây xanh; quan tâm phát triển nhà ở xã hội, hoàn thành cải tạo một số nhà chung cư cũ; thống kê, rà soát, xây dựng quy định quản lý các công trình kiến trúc tiêu biểu, nhà biệt thự để thực hiện bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, lịch sử… Trật tự, an toàn giao thông được duy trì; trật tự công cộng, văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực…
Chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nêu rõ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phải triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là: Phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững, thông minh, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũ. Quá trình đô thị hóa phải được gắn liền với việc xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, kiểm soát dân số, bảo đảm sử dụng đất đai có hiệu quả…
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nhấn mạnh 19 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, 6 nhiệm vụ và 6 giải pháp trọng tâm để thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó sẽ khai thác tối đa lợi thế đô thị để phát triển kinh tế đô thị; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị… nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững.
Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô
Tiếp đó, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã quán triệt nội dung Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Đồng chí cho biết, đây là một chương trình mới của nhiệm kỳ này, nhằm mục tiêu tổng quát là giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn, phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn mức chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng phân tích kỹ hệ thống 27 chỉ tiêu, như giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%; giải quyết việc làm 160.000 lượt người/năm; 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; 40% lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; duy trì 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí. Từng bước mở rộng đối tượng học sinh thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% học phí. ..
Đáng chú ý, Chương trình số 08-CTr/TU cũng đề ra mục tiêu 100% người dân được quản lý sức khỏe; 85% phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất...
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng tập trung quán triệt, phân tích về 3 yêu cầu, 6 nhiệm vụ chủ yếu về phát triển hệ thống an sinh xã hội, 6 nhiệm vụ chủ yếu về nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân cùng với 5 giải pháp trọng tâm để triển khai có hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.
Phát triển văn hóa trở thành sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển bền vững
Tiếp đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã thông tin về Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, thành phố đã xác định rõ việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Mục tiêu được đặt ra tại Chương trình số 06-CTr/TU là phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Qua đó, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật; khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của nhân dân Thủ đô…
Đi kèm với các mục tiêu, Thành ủy Hà Nội đề ra 7 nhóm chỉ tiêu cụ thể và 3 yêu cầu. Đáng chú ý, trong các yêu cầu nêu rõ: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước và Thủ đô. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước.
Trong Chương trình số 06-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội đã đề ra 14 nhiệm vụ về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Để hiện thực hóa những mục tiêu, yêu cầu, Thành ủy Hà Nội đề ra 6 giải pháp trọng tâm phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong nhiệm kỳ mới.
Đặc biệt, Chương trình số 06-CTr/TU cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết của Thành ủy khóa XVII về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực này trong tình hình mới. Bên cạnh đó là rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Khẳng định vai trò trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Tiếp đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã thông tin về Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, những năm qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn với khoảng 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng trong thực tế.
Đặc biệt, Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm số 20-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI đã cung cấp luận cứ cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Các hoạt động đổi mới sáng tạo bước đầu được triển khai và có hiệu quả. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nhất là trong giới trẻ…
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng chỉ rõ một số hạn chế còn tồn tại như hoạt động khoa học, công nghệ của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; chất lượng nhân lực khoa học, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu; cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao, phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn thiếu và chưa đồng bộ; chưa huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho phát triển thị trường khoa học, công nghệ.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, mục tiêu của Chương trình số 07-CTr/TU là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực. Để hiện thực hóa, thành phố sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” hoạt động theo nguyên tắc khoa học mở, đổi mới sáng tạo mở; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; tổ chức các sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế về khoa học, công nghệ…
Tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động
Phát biểu bế mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, sau 1,5 ngày học tập nghiêm túc, trách nhiệm cao, Hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp. Đây là một cách làm mới, sáng tạo, chưa có tiền lệ.
Tại hội nghị, các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình đã trình bày những nội dung trọng tâm, cơ bản của các chương trình, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô trong 5 năm (2020-2025), định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
“Hội nghị hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô. Đây là cơ sở quan trọng để các tổ chức Đảng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố sớm đi vào thực tiễn cuộc sống”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Để triển khai thực hiện hiệu quả 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và đội ngũ cán bộ, đảng viên trước hết cần quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy về những quan điểm lớn, những nội dung cơ bản, nhất là các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới được đề ra trong các chương trình; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, 10 chương trình công tác của Thành ủy vào thực tiễn cuộc sống.
Các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, 10 chương trình công tác của Thành ủy, nghị quyết Đại hội cấp mình, vận dụng, cụ thể hóa để xây dựng chương trình công tác, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
“Trong quá trình thực hiện, có sự phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành, đồng thời phổ biến để nhân dân biết, giám sát”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các cơ quan báo chí thành phố, báo cáo viên và tuyên truyền viên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô nắm vững và thực hiện đúng, sáng tạo Nghị quyết của Đảng, 10 chương trình công tác của Thành ủy, góp phần quan trọng củng cố niềm tin vững chắc vào mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, việc tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất 10 chương trình công tác chính là bước quan trọng, thể hiện quyết tâm của cả Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô thành hiện thực, phấn đấu xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững, nhân dân có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, góp phần cùng cả nước đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.