Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu: Kỳ vọng những đột phá
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:31, 23/04/2021
Đây là hội nghị do Mỹ tổ chức theo hình thức trực tuyến với chương trình nghị sự tập trung vào mục tiêu giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới. Sự kiện trên được kỳ vọng sẽ có những kết quả mang tính đột phá cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tại phiên khai mạc hội nghị quan trọng này, bên cạnh Tổng thống Mỹ Joe Biden; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn có Nguyên thủ, Thủ tướng của gần 40 nước trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản... cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác.
Trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Tây Ban Nha và Tổng thống các nước: Nigeria, Ba Lan tham dự và phát biểu tại phiên họp quan trọng về chủ đề "Các lợi ích kinh tế của Hành động khí hậu" diễn ra vào tối 23-4.
Cùng đóng góp vào việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đã tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế, liên tục tham dự cũng như đưa ra đề xuất tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu năm 2021, Việt Nam đánh giá đây là cơ hội lớn để lãnh đạo các nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội thảo luận về tính cấp bách của vấn đề và yêu cầu đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn. Ngay trước thềm hội nghị, Việt Nam đã cam kết tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm biến “thách thức” do biến đổi khí hậu thành “cơ hội” phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về kế hoạch cắt giảm khí thải CO2 trước năm 2050. Một số nước thậm chí còn đẩy thời hạn lên năm 2030. Gần đây nhất, Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden cho biết, dự kiến công bố mục tiêu đến năm 2030 sẽ cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 2005.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng công bố, Liên minh châu Âu có kế hoạch đạt được trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050 và mục tiêu trung gian giảm lượng khí thải ròng ít nhất là 55% vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Australia, Anh, Nhật Bản... đã có những động thái nhằm thể hiện quyết tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Có thể thấy, sự thống nhất ngày càng rõ giữa các quốc gia liên quan tới chủ đề này. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng cực đoan cho khắp thế giới. Cách đây ít ngày, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm nay tăng lên mức cao bởi các hoạt động kinh tế được nối lại sau thời gian gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Theo IEA, lượng khí thải CO2 trong năm 2021 sẽ tăng 5% lên mức 33 tỷ tấn. Nếu chính phủ các nước không nhanh chóng có hành động quyết liệt để cắt giảm khí thải, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn vào năm 2022.
6 năm liên tiếp kể từ năm 2015 đều là những năm thuộc diện nóng nhất trong lịch sử. Những kịch bản dự báo tồi tệ nhất về tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu dần trở thành hiện thực. Những cơn bão, đợt hạn hán và những thảm họa thiên nhiên với sức tàn phá chưa từng thấy liên tục xảy ra, cướp đi hàng nghìn sinh mạng và hàng chục tỷ USD.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Báo cáo tình trạng khí hậu toàn cầu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho thấy, 2020 là một năm thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, bị thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra, tác động đến cuộc sống, phá hủy sinh kế và buộc nhiều triệu người phải rời bỏ nhà cửa. “Chúng ta cần làm nhiều hơn, và nhanh hơn, ngay từ bây giờ", Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi.
Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu năm 2021 được ví như động lực quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Thông qua những cam kết, sáng kiến và hành động thực tế cùng nỗ lực chung, hy vọng các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có thể cứu “Ngôi nhà trái đất” thoát khỏi thảm họa trước khi quá muộn.