Tuyệt đối không thành kiến trong sàng lọc đảng viên

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 13:39, 23/04/2021

(HNMO) - Việc rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng phải được thực hiện thường xuyên; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ, minh bạch. Lấy phát hiện, kịp thời giáo dục, giúp đỡ đảng viên là chính; đồng thời, kiên quyết đưa đảng viên có vi phạm đã được giáo dục, giúp đỡ nhưng không tiến bộ ra khỏi Đảng; tuyệt đối không được thành kiến hoặc lợi dụng để trù dập đảng viên vì động cơ cá nhân.

Đây là một trong những mục đích, yêu cầu được nêu rõ trong Hướng dẫn số 02-HD/BTCTƯ ngày 12-4-2021 của Ban Tổ chức Trung ương về “Tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”.

Hướng dẫn nhằm thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TƯ ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”.

Duy trì kỷ cương, kỷ luật trong Đảng

Ngoài mục đích, yêu cầu nêu trên, Hướng dẫn số 02-HD/BTCTƯ còn nhằm thống nhất tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng để làm trong sạch đội ngũ, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, duy trì kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Theo hướng dẫn trên, những đảng viên có vi phạm chưa đến mức phải xóa tên hoặc thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ cần được giáo dục, giúp đỡ trước khi xem xét, quyết định đưa ra khỏi Đảng thuộc một trong 4 trường hợp sau:

Thứ nhất, hai năm liền bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ".

Thứ hai, vi phạm kỷ luật Đảng hoặc pháp luật Nhà nước đã bị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật mức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, giáng chức, cách chức, đang trong thời gian chấp hành kỷ luật lại tiếp tục có vi phạm.

Thứ ba, qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình hoặc qua kiểm tra, giám sát, cấp ủy có thẩm quyền kết luận có suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” hoặc vi phạm về đạo đức, lối sống. 

Thứ tư, vi phạm các quy định của Đảng về thực hiện trách nhiệm nêu gương hoặc những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm hoặc có uy tín thấp trong cơ quan, đơn vị, nơi cư trú mà cấp ủy có thẩm quyền đã kết luận, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và tổ chức Đảng nơi sinh hoạt.

Quy trình 4 bước sàng lọc đảng viên

Trước khi đi đến quyết định khai trừ đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, các cấp ủy có thẩm quyền phải thực hiện quy trình gồm 4 bước rất chặt chẽ, cẩn trọng, cụ thể như sau:

Bước 1 có nội dung là “Rà soát, phát hiện đảng viên cần được chi bộ giáo dục, giúp đỡ trước khi xem xét, quyết định đưa ra khỏi Đảng”. Trong bước này, chi ủy (bí thư chi bộ nơi không có chi ủy) rà soát theo tiêu chí như hướng dẫn đã nêu và lấy ý kiến tham gia của Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố (lãnh đạo, tổ chức chính trị - xã hội của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đối với đảng viên đang công tác) để dự kiến danh sách đảng viên thuộc diện cần được chi bộ giáo dục, giúp đỡ trước khi xem xét, quyết định đưa ra khỏi Đảng.

Chi ủy xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp về danh sách đảng viên dự kiến cần được chi bộ giáo dục, giúp đỡ để lập danh sách chính thức đưa ra cuộc họp chi bộ.

Chi bộ họp, thảo luận, bỏ phiếu kín đối với từng đảng viên dự kiến cần được chi bộ giáo dục, giúp đỡ. Đảng viên nào có 2/3 số đảng viên chính thức của chi bộ trở lên bỏ phiếu đồng ý thì đưa vào danh sách cần được chi bộ giáo dục, giúp đỡ trước khi xem xét, quyết định đưa ra khỏi Đảng; báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp phê duyệt danh sách để thực hiện các bước tiếp theo.

Bước 2 có nội dung là “Giáo dục, giúp đỡ đảng viên”. Với bước này, chi ủy (bí thư chi bộ nơi không có chi ủy) thông báo ý kiến phê duyệt của cấp ủy cấp trên trực tiếp, trao đổi với từng đảng viên cần được chi bộ giáo dục, giúp đỡ về những vi phạm, phản ánh của các tổ chức quần chúng (nếu có) và yêu cầu đảng viên viết bản tự kiểm điểm, trong đó cam kết rõ việc sửa chữa, khắc phục vi phạm.

Chi bộ họp để đảng viên kiểm điểm trước chi bộ (có thể kiểm điểm trong buổi sinh hoạt định kỳ) và ra nghị quyết phân công 1 chi ủy viên hoặc 1 đảng viên theo dõi, giúp đỡ 1 đảng viên. Thời gian theo dõi, giúp đỡ là 12 tháng.

Bước 3 là “Sàng lọc đảng viên đã được chi bộ giáo dục, giúp đỡ”. Theo đó, sau 12 tháng, kể từ ngày chi bộ phân công chi ủy viên, đảng viên theo dõi, giúp đỡ, chi bộ họp để đảng viên tự kiểm điểm, nêu rõ kết quả sửa chữa, khắc phục vi phạm theo cam kết.

Chi ủy viên hoặc đảng viên được phân công theo dõi, giúp đỡ nhận xét. Chi bộ thảo luận, góp ý và bỏ phiếu kín đối với từng trường hợp. Chi bộ căn cứ kết quả bỏ phiếu để quyết định. Cụ thể, nếu có từ một nửa số đảng viên chính thức của chi bộ trở lên bỏ phiếu đồng ý công nhận sự tiến bộ của đảng viên thì chi bộ ra nghị quyết công nhận sự tiến bộ của đảng viên, báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp.

Nếu có từ 2/3 số đảng viên chính thức của chi bộ trở lên bỏ phiếu đề nghị xem xét đưa ra khỏi Đảng thì chi bộ ra nghị quyết, báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Nếu có dưới một nửa số đảng viên chính thức của chi bộ bỏ phiếu đồng ý công nhận sự tiến bộ hoặc có dưới 2/3 số đảng viên chính thức của chi bộ bỏ phiếu đề nghị xem xét đưa ra khỏi Đảng thì chi bộ xem xét, quyết định đưa vào danh sách đảng viên cần được chi bộ tiếp tục giáo dục, giúp đỡ trước khi xem xét, quyết định đưa ra khỏi Đảng và sẽ xem xét lại sau 12 tháng.

Cuối cùng là bước 4 với nội dung “Đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Tại bước này, trên cơ sở đề nghị của cấp ủy cơ sở, cấp ủy cấp huyện và tương đương chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra cùng cấp thẩm tra, xác minh, kết luận về vi phạm của từng đảng viên, căn cứ kết luận thẩm tra, xác minh về vi phạm của từng đảng viên, cấp ủy cấp huyện và tương đương xem xét, quyết định xóa tên hoặc kỷ luật đảng viên bằng hình thức khai trừ theo đúng quy định, hướng dẫn thi hành điều lệ Đảng.

Đối với đảng viên qua xem xét, chưa đến mức phải xóa tên hoặc kỷ luật bằng hình thức khai trừ thì cấp ủy cấp huyện và tương đương chỉ đạo cấp ủy cấp dưới tiếp tục giáo dục, giúp đỡ đảng viên đó và sẽ xem xét lại sau 12 tháng.

Cũng theo Hướng dẫn số 02-HD/BTCTƯ, Ban Tổ chức Trung ương đề nghị cấp ủy cấp tỉnh, đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên nhằm thống nhất nhận thức, hiểu rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thường xuyên rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Ngoài ra, căn cứ hướng dẫn này, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cụ thể hóa tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo đúng quy định của Đảng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện.

Hiền Lương