Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 24/04/2021

(HNM) - Từ lâu, dư luận đã quen với thông tin người trồng mía cũng như hoạt động sản xuất mía đường trong nước rơi vào cảnh điêu đứng do bị đường nhập khẩu chèn ép. Trong đó, đường của ta bị cạnh tranh rất mạnh về giá bởi đường nhập khẩu được giảm thuế bình quân từ 85% trước đây xuống còn 0-5% theo quy định của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ đầu năm 2020.

Riêng năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam "tăng đột biến", đạt 1,5 triệu tấn. Hậu quả là diện tích trồng mía nội địa giảm sút, một số nhà máy đường phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến sản xuất, việc làm và thu nhập của người lao động...

Trước thực trạng này và tiếp thu thông tin, đề nghị của ngành mía đường, ngày 9-2-2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với đường nhập khẩu từ Thái Lan, với mức 48,88% đối với đường tinh và 33,88% đối với đường thô. Đây là kết quả của quá trình nắm bắt tình hình, củng cố căn cứ của cơ quan chức năng để đưa ra biện pháp thỏa đáng nhằm hỗ trợ ngành sản xuất đường trong nước trên cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế của Việt Nam. Việc áp dụng thuế tự vệ tạm thời nói trên là để bảo vệ ngành mía đường trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh do vẫn được trợ cấp của đường nhập khẩu.

Việc áp thuế tự vệ đối với sản phẩm đường nhập từ Thái Lan nói riêng hay các mặt hàng khác nói chung là nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, giữ được dư địa cho sản xuất trong nước; và xa hơn là bảo vệ lợi ích của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế... Song, về lâu dài, doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, đầu tư thiết bị hiện đại để nâng sức cạnh tranh, bởi các hiệp định thương mại tự do là “cuộc chơi lớn” mà ở đó doanh nghiệp mạnh có nhiều cơ hội vươn xa.

Hồng Sơn