''Ong bầu'' Vespa tròn 75 tuổi
Xe++ - Ngày đăng : 10:41, 25/04/2021
Kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Italia bị hạn chế nghiêm trọng về công nghiệp. Nhận thấy nền kinh tế tê liệt và tình trạng khó khăn trong việc tái phát triển thị trường ô tô, Enrico Piaggio - con trai của người sáng lập Piaggio Rinaldo Piaggio - đã quyết định rời bỏ lĩnh vực hàng không “gia truyền” để giải quyết nhu cầu cấp thiết của Italia về một phương tiện giao thông hiện đại và giá cả phải chăng cho đại chúng. Ấn tượng với sự linh hoạt của những chiếc xe máy quân sự nhỏ gọn mà Mỹ thả bằng dù trong cuộc chiến với quân đội Đức tại Milan và Turin, ông yêu cầu các kỹ sư phải tạo ra một thứ gì đó tương tự nhưng đáp ứng tốt nhu cầu hằng ngày.
Năm 1944, hai kỹ sư Renzo Spolti và Vittorio Casini của Piaggio đã trình bày thiết kế chiếc mô tô có thân ôm trọn hệ thống truyền động và tạo thành một tấm chắn nước cao ở phía trước. Thiết kế này cũng đã có nút điều khiển trên tay lái, động cơ làm mát bằng gió cưỡng bức, bánh xe đường kính nhỏ và phần trung tâm cao. Được biết đến với mã MP5 ("Moto Piaggio no. 5"), nguyên mẫu này có biệt danh "Paperino" ("vịt con" hoặc "vịt Donald" trong tiếng Italia) nhưng không làm hài lòng Enrico Piaggio, đặc biệt là phần gờ trung tâm sàn xe quá cao. Ông đã yêu cầu kỹ sư hàng không Corradino D'Ascanio thiết kế lại chiếc xe.
Điều đặc biệt là D'Ascanio nổi tiếng ghét xe máy, cho rằng chúng cồng kềnh, bẩn thỉu và không đáng tin cậy. Chính tâm lý này của D'Ascanio vô tình tạo khác biệt cho những chiếc Vespa. Nguyên mẫu MP6 do D'Ascanio tạo ra được gắn động cơ ngay cạnh bánh sau. Bánh xe được dẫn động trực tiếp từ hộp số, loại bỏ xích truyền động cùng dầu và các chất bẩn liên quan. Khung thép lớn, rộng bản ngăn cách hoàn toàn các bộ phận cơ khí và người điều khiển, giúp quần áo của họ luôn sạch sẽ. Cần số được chuyển từ sàn lên tay lái, tạo sự thuận tiện trong điều khiển. Đặc biệt, phần sàn phẳng hoàn toàn giúp phái yếu dễ dàng lên xe mà không vướng váy áo.
Khi lần đầu tiên nhìn thấy MP6, Enrico Piaggio đã thốt lên: "Sembra una vespa!" ("Nó hệt như một con ong bắp cày!"), và từ đó cái tên Vespa đã gắn với những chiếc xe tay ga mới. Vespa trong tiếng Latinh và tiếng Italia đều có nghĩa là ong bắp cày - bắt nguồn từ hình dáng thân xe: Phần sau dày hơn nối với phần trước bằng một eo hẹp và cần lái giống như ăng-ten.
Nỗ lực của Enrico Piaggio và các cộng sự đã đạt mốc quan trọng vào lúc 12h ngày 23-4-1946. Tại Văn phòng trung ương về phát minh, mô hình và chế tạo của Bộ Công nghiệp và Thương mại Italia ở Florence, bằng sáng chế về "một chiếc xe máy có sự kết hợp hợp lý của các bộ phận và các yếu tố sử dụng khung có chắn bùn và vỏ bọc toàn bộ phần cơ khí” đã được trao cho Piaggio. Bằng sáng chế cơ bản này đã trở thành tiền đề cho hàng loạt mẫu xe thử nghiệm. Đây cũng là một trong những phương tiện đầu tiên trên thế giới sử dụng kết cấu liền khối (thân xe là một phần không thể thiếu của khung gầm).
Ở giai đoạn sản xuất sơ khai, do thiếu tài nguyên trong khi hạ tầng sản xuất của Italia bị phá hủy nghiêm trọng, hầu hết xe Vespa xuất xưởng đều tận dụng lại thép và các bộ phận bánh của máy bay cũ, đi cùng động cơ có dung tích 98cc (Vespa 98). Tuy nhiên, do dễ lái, lại êm hơn xe máy trước đó, những sản phẩm đầu tiên với giá chỉ 55.000 lire (khoảng vài trăm USD) đã nhanh chóng hút khách. Doanh số năm đầu tiên đạt 2.484 chiếc, trở thành tiền đề để Piaggio tung ra mẫu Vespa với động cơ 125cc vào năm 1947. Trong năm thứ hai này, doanh số Vespa đã lên tới 10.353 chiếc và tiếp tục tăng thêm 9.500 chiếc vào cuối năm 1948.
Với sự phổ biến và thiết kế sáng tạo, chiếc xe tay ga nhỏ nhắn gợi cảm cũng bắt đầu xuất hiện trên các tạp chí thời trang, nhanh chóng gắn liền với thời trang cao cấp và hình ảnh những người đàn ông đẹp trai phóng xe dọc theo những con phố nhỏ hẹp của Italia hoặc những cô gái xinh đẹp với mái tóc bồng bềnh phía sau khi họ đi trên những con đường ven biển, tạo nên phong cách vẫn còn cho đến ngày nay. Không chỉ ở châu Âu, cơn sốt Vespa bùng nổ trên khắp thế giới - một phần nhờ những bộ phim bom tấn như Roman Holiday của Hollywood.
Tháng 6-1956, chiếc xe Vespa thứ một triệu đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất. Tới năm 1960, chỉ 4 năm sau, con số này đã tăng lên hai triệu chiếc, mở đường cho chiếc xe tay ga Italia đi vào lịch sử như một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử xe động cơ của thế giới.
Tới nay, hơn 19 triệu xe Vespa đã xuất xưởng đi khắp thế giới từ ba cơ sở sản xuất. Hoạt động sản xuất ban đầu của cơ sở Pontedera tại quê hương Italia hướng đến châu Âu, châu Mỹ. Cơ sở thứ hai ở Vĩnh Phúc (Việt Nam) phục vụ thị trường địa phương và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cơ sở thứ ba tại Ấn Độ đã đi vào hoạt động từ tháng 4-2012, nhưng chỉ sản xuất xe cho thị trường Ấn Độ và Nepal.