Dự luật chống lại tội ác nhằm vào người Mỹ gốc châu Á: Không dung thứ cho hận thù
Thế giới - Ngày đăng : 06:29, 25/04/2021
Tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối: 94 phiếu thuận và 1 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu của lưỡng đảng tại Thượng viện xứ Cờ hoa dành cho “Đạo luật về tội ác thù hận đại dịch Covid-19” được đánh giá là kết quả hiếm có. Dự luật này nhận được sự quan tâm đặc biệt và được Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc lưỡng viện thông qua sau khi xảy ra các vụ xả súng ở thành phố Atlanta thuộc bang Georgia hồi giữa tháng 3 khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 nạn nhân là phụ nữ gốc châu Á. Vụ việc như “giọt nước tràn ly” khiến cộng đồng người Mỹ gốc châu Á và các đảo trên Thái Bình Dương (AAPI) lo lắng, phẫn nộ trước tình trạng kỳ thị, bạo lực và phân biệt đối xử mà họ phải chịu đựng.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, bên cạnh các thách thức về y tế và kinh tế, vấn đề kỳ thị, phân biệt chủng tộc, đặc biệt là với người Mỹ gốc châu Á tại Mỹ có xu hướng gia tăng rõ rệt. Trong vòng chưa đầy 1 năm, tổng cộng 3.795 vụ kỳ thị đối với người gốc Á trên toàn nước Mỹ đã được Stop AAPI Hate (tổ chức vận động chấm dứt phân biệt đối xử nhằm vào nhóm AAPI) ghi nhận, với các hình thức kỳ thị gồm lăng mạ, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến và các hành vi vi phạm quyền công dân. Các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc châu Á đã tăng 149% ở 16 thành phố lớn của Mỹ vào năm ngoái, đặc biệt là ở Los Angeles và New York.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, Thượng nghị sĩ Mazie Hirono và Dân biểu Grace Meng của đảng Dân chủ đã soạn thảo dự luật với nội dung đề nghị Bộ Tư pháp Mỹ đẩy nhanh tiến độ xem xét các vụ án liên quan đến sự thù hằn phát sinh từ đại dịch Covid-19. Dự luật hỗ trợ và đưa ra hướng dẫn cho các cơ quan thực thi pháp luật địa phương trong việc giải quyết tình trạng hận thù, bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á, mở rộng các chiến dịch giáo dục cộng đồng và chống ngôn từ phân biệt đối xử khi nói về đại dịch. Dự luật cũng sẽ dành một khoản ngân sách để cải thiện báo cáo về tội ác hận thù và mở rộng nguồn lực hỗ trợ nạn nhân. Thượng nghị sĩ M.Hirono nhận định, việc Thượng viện thông qua dự luật đã phát đi một thông điệp rõ ràng về tình đoàn kết với cộng đồng AAPI.
Về phần mình, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống J.Biden dành sự quan tâm đáng kể cho các nỗ lực xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử. Chính quyền của ông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đối phó với tình trạng kỳ thị người gốc châu Á, đặc biệt là việc phân bổ 49,5 triệu USD trong gói cứu trợ Covid-19 để trợ giúp các nạn nhân của bạo lực gia đình và tấn công tình dục là người gốc châu Á. Ngay trong tuần đầu tiên nhậm chức, Tổng thống J.Biden đã ký bản ghi nhớ lên án và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc châu Á. Các nhà lập pháp của đảng Dân chủ cũng nhiều lần hối thúc ông chủ Nhà Trắng bổ nhiệm thêm nhiều người thuộc cộng đồng AAPI vào các vị trí chủ chốt.
Dự kiến Hạ viện Mỹ, nơi đảng Dân chủ chiếm đa số sẽ có cuộc bỏ phiếu vào tháng tới và khả năng cao là dự luật này sẽ tiếp tục được thông qua. Những kết quả tích cực tại cơ quan lập pháp xứ Cờ hoa đánh dấu hành động cụ thể nhất mà Thượng viện và Hạ viện nước này thực hiện để đối phó với tình trạng bạo lực và quấy rối với cộng đồng AAPI.