Lân Cường - Nhật ký trên khóa sol
Văn hóa - Ngày đăng : 07:12, 25/04/2021
Trước khi đến với công việc nghiên cứu khảo cổ học, Lân Cường đã đến với âm nhạc. Năm 1951, khi mới 10 tuổi, cậu bé Cường đã làm quen với các nốt nhạc từ ba người thầy, là nhạc sĩ người Trung Quốc Túc Nhân Kim cùng hai nhạc sĩ Việt Nam Phạm Tuyên và Nguyễn Hữu Hiếu. Tám năm sau đó, khi đang học lớp 9 tại Trường Phổ thông 3A (nay là Trường Trung học phổ thông Việt Đức, Hà Nội), Lân Cường đã được giao dàn dựng tốp ca và hợp xướng. Đó cũng thời điểm mà ca khúc đầu tay “Tiếng hát bản Mường” của nhạc sĩ tương lai ra đời.
Nghiên cứu khảo cổ học và sáng tác âm nhạc tưởng như không liên quan nhưng qua lý giải của nhạc sĩ Lân Cường thì lại có mối quan hệ gần gũi, mật thiết với nhau: “Công việc nghiên cứu khảo cổ học cho tôi đi công tác nhiều, đến những vùng xa, vùng sâu. Những điều đó tạo nhiều xúc động cho tôi và chính là nguồn cảm hứng để tôi viết nhạc”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng bày tỏ ngạc nhiên về sự “biến hình” tài tình của nhạc sĩ Lân Cường: “Khi khảo cổ, tôi không thấy ông nhạc sĩ đâu cả, mà chỉ hiển hiện trước mắt là một nhà khoa học tỉnh táo và uyên thâm. Và khi ông chỉ huy âm nhạc hay sáng tác các bản hợp xướng, ca khúc thì cũng lại không thấy hình ảnh nhà khoa học hay nhà khảo cổ đâu”.
Tập sách “Nhật ký trên khóa sol” ghi lại cuộc đời bằng âm nhạc của người nhạc sĩ tay ngang. Ở đó, người đọc có thể dõi theo quá trình phát triển âm nhạc của tác giả, từ những tác phẩm được viết rất sớm như “Tiếng hát bản Mường” (1959), “Tiếng ca trên bè gỗ” (1960), “Dòng Von Ga” (1960)… đến những tác phẩm gần đây, như “Vị tướng của lòng dân” (2013), “Lá phiếu ngày bầu cử” (2016), “Chiều nay nếu anh không về” (phỏng thơ Vũ Tuấn, 2020)…
Dù không phải người con của Thủ đô, nhưng chính mảnh đất ngàn năm văn hiến đã cho ông một sự nghiệp nghiên cứu khoa học đồ sộ, một chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Vì vậy, ông đã tri ân mảnh đất này bằng một số tác phẩm đáng chú ý như: “Cảm xúc Hoàng thành”, “Thăng Long - rồng bay”, “Đội viên Thủ đô ghi sâu lời Bác dạy” và “Chào Thăng Long - Hà Nội của em”. Ông cũng từng chuyển soạn ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi cho hợp xướng 4 bè để lại dấu ấn. Hiện nay, trên cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ Lân Cường còn là người tâm huyết trong công tác tập hợp và hướng đội ngũ nhạc sĩ đến những sáng tác về Thủ đô.
Đánh giá sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Lân Cường qua cuốn sách “Nhật ký trên khóa sol”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: “Trong âm nhạc có 7 nốt đồ - rê - mi - fa - sol - la - si và nốt thứ 8 lại quay lại nốt đồ nhưng đã cao hơn một bát độ. Tôi liên tưởng tới sự nghiệp âm nhạc của ông, bước sau cao hơn bước trước và khi tới nốt thứ 8 - 80 tuổi, là đạt tới cung bậc mới trong tiến trình sáng tạo”.
Dù đã nhận 14 giải thưởng âm nhạc danh giá nhưng nhạc sĩ Lân Cường chỉ tự nhận mình là “viên đá cuội nhỏ nhoi” trong “ngọn núi đồ sộ” của nền âm nhạc nước nhà. Con người giàu năng lượng ấy vẫn chưa dừng lại với những sáng tạo bất tận của mình, bởi như ông chia sẻ, tới đây sẽ thực hiện 3 chương của bản giao hưởng “Nguyễn Trãi” để tri ân vị anh hùng dân tộc…