Thủ tướng: Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải đoàn kết thống nhất, chung tay, đồng lòng
Kinh tế - Ngày đăng : 20:11, 17/12/2022
Cùng chủ trì sự kiện quan trọng này có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức nhằm mục tiêu cụ thể hóa chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nghị quyết, kết luận của Đảng; đồng thời cung cấp thêm luận cứ cho Chính phủ trong xây dựng và triển khai nghị quyết đầu năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Diễn đàn được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu. Trước khi diễn ra phiên toàn thể, vào buổi sáng 17-12, trong khuôn khổ diễn đàn, đã diễn ra 4 hội thảo chuyên đề với các chủ đề: Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới; lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023.
Phiên toàn thể của diễn đàn gồm 5 báo cáo chính: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022 và định hướng điều hành năm 2023; triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam; những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam năm 2023 qua đánh giá phản ứng chính sách vĩ mô của các nước và dự báo viễn cảnh kinh tế châu Á năm 2023; ổn định tài chính, lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế năm 2023; tăng tốc đầu tư công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.
Năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc phiên tổng thể, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện. Kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao, trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu. Xuất khẩu trong 11 tháng của năm 2022 tăng hơn 13,4%, xuất siêu hơn 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1%.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp. Trong đó, có chính sách miễn, giảm thuế, phí. Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả khả quan năm 2022, nền kinh tế Việt Nam bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những điểm sáng, cán cân thương mại dịch vụ vẫn đang bị mất cân đối ngày càng lớn. Tỷ giá và lãi suất trong mấy tháng gần đây tăng đột biến phản ánh mức độ căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính, ngân hàng. Giải ngân đầu tư công thấp, ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao sau 11 tháng tạo nên nghịch lý nền kinh tế thì thiếu vốn, trong khi nguồn lực của Nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.
Trước thực tế này, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị đại biểu tập trung phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh và các xu hướng lớn của thế giới và khu vực; làm rõ thêm xu hướng mất cân đối toàn cầu hiện nay đang đặt ra những cơ hội và thách thức gì cho kinh tế Việt Nam năm 2023 và những năm tới. Dự báo các kịch bản phát triển, đưa ra những khuyến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách hoặc các biện pháp cụ thể để chủ động ứng phó, xử lý hiệu quả các vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam cả trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tại phiên toàn thể, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và đại diện một số tổ chức quốc tế… đã tập trung thảo luận về những giải pháp liên quan đến việc "phá băng" thị trường bất động sản và ổn định thị trường tài chính.
Ngay sau phát biểu của đại diện bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều giải pháp trong tọa đàm bàn tròn cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023 - Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.
Đoàn kết vượt qua những khó khăn, thách thức
Trao đổi tại tọa đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, với vấn đề cung vốn cho nền kinh tế, ngoài vốn tín dụng ngân hàng, cần phải trông chờ vào vốn đầu tư công, vốn huy động trên thị trường chứng khoán. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác, liên thông thị trường tiền tệ, tài chính.
Liên quan đến chính sách tài khóa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đang chủ động xây dựng các gói hỗ trợ khác nhau. Trong đó, Bộ tiếp tục đề xuất hoãn thuế, phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn về dòng tiền và thanh khoản. Ngoài ra, Bộ đang xem xét việc miễn, giảm tiền thuê đất, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật gây cản trở đầu tư bất động sản, đồng thời giải quyết trình tự thủ tục trong xây dựng. Bộ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới room tín dụng, hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản. Trên cơ sở rà soát, đánh giá các dự án khả thi, có đầy đủ pháp lý, cần hỗ trợ các thủ tục cho vay vốn…
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong năm 2022, Việt Nam đã thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, thị trường, nguồn nhân lực. Qua đó, kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Cùng với đó, các cân đối lớn của nền kinh tế cũng được bảo đảm. Những kết quả khả quan đạt được trong năm 2022 cho thấy, nền kinh tế đang phát triển đúng hướng, mặc dù đất nước vẫn trong điều kiện khó khăn, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn. Kết quả này có thể coi là “điểm sáng” trong bối cảnh hiện nay.
Để tìm giải pháp tốt nhất nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề nổi lên hiện nay liên quan đến vận hành thị trường chứng khoán, bất động sản; nguồn cung thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, xăng dầu…, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, những yếu kém của nền kinh tế đã khiến khiếm khuyết bộc lộ rõ. Đây là những vấn đề cũ, tồn tại từ lâu nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Muốn lành mạnh hóa nền kinh tế, phải xử lý nghiêm tình trạng ngân hàng sở hữu chéo, yếu kém nhiều năm; thị trường bất động sản chỉ tập trung nguồn cung cho người giàu, nên phân khúc cho người nghèo tới đây cần được quan tâm.
Theo Thủ tướng Chính phủ, việc xử lý các vấn đề sẽ mất thời gian, công sức, nhưng yếu tố quan trọng nhất là phải bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân và các đối tượng có liên quan. Nhấn mạnh năm 2023, chính sách tài khóa cần được điều hành theo hướng linh hoạt nhằm khắc phục các vấn đề yếu kém còn tồn tại, Thủ tướng cũng đánh giá cao ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã nêu tại diễn đàn. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu câu hỏi: Vấn đề đưa ra “đúng, trúng” nhưng doanh nghiệp, nhà tư vấn, nhà ngoại giao, nhà quản lý cùng nhau làm thế nào để giải quyết?
Từ thực tế này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, doanh nghiệp phải cùng vào cuộc. Nhà quản lý, nhà tư vấn, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân đều phải làm. Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải đoàn kết thống nhất, chung tay, đồng lòng. Trong lúc này, chúng ta phải quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng, chung sức phát triển kinh tế với tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước thì mới có thể đưa đất nước vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chương trình chống biến đổi khí hậu; khẩn trương tập trung thực hiện, hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải đi trước một bước; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo ổn định giá cả; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng...