Hà Nội: Ưu tiên mọi nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia
Giáo dục - Ngày đăng : 18:36, 26/04/2021
Còn chênh lệch giữa các địa bàn
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm 2020, chỉ tiêu thành phố giao xây dựng 104 trường công đạt chuẩn quốc gia, đã thực hiện được 122 trường, đạt 117,3% kế hoạch.
Tính đến hết năm 2020, toàn thành phố có 1.694/2.204 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 76,9%. Trong đó, cấp trung học cơ sở có tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn cao nhất với 83,7%; đứng thứ hai là cấp tiểu học với 80,7%; đứng thứ ba là cấp trung học phổ thông với 72,2%; cuối cùng là cấp mầm non với 68,9%.
Kết quả đáng ghi nhận trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2020 là có 13 quận, huyện thực hiện vượt chỉ tiêu, gồm: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Ba Vì, Gia Lâm. Huyện Đan Phượng có tỷ lệ trường chuẩn cao nhất thành phố với 98,1%. Có 7 đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu, gồm các quận, huyện: Đống Đa, Tây Hồ, Đông Anh, Mê Linh, Mỹ Đức, Thanh Trì, Hoài Đức.
Đạt kết quả ấn tượng nhất trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2020 là quận Ba Đình. Từ đơn vị có 54% số trường đạt chuẩn, xếp thứ 29/30 quận, huyện, thị xã vào năm 2019, đến hết năm 2020, tỷ lệ trường chuẩn của quận Ba Đình đã đạt 73,5%. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, quận đã xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn từ nay tới năm 2025 với lộ trình cụ thể từng năm, nhằm mục tiêu có 100% trường học đạt chuẩn vào năm 2025, trong đó, xác định tập trung ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác này.
Về tổng thể, dù số lượng trường chuẩn xây dựng trong năm 2020 của toàn thành phố vượt chỉ tiêu đề ra, song tỷ lệ trường đạt chuẩn của các quận, huyện, thị xã có sự chênh lệch khá rõ. Nếu huyện Đan Phượng dẫn đầu thành phố về tỷ lệ trường đạt chuẩn với 98,1% thì huyện Ba Vì mới đạt 53,2% - thấp nhất thành phố. Một số đơn vị có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia còn khiêm tốn, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của toàn thành phố, đó là: Quận Đống Đa 69,4%, huyện Phú Xuyên 64,8%, huyện Mỹ Đức 63,3%.
Nhận diện khó khăn, ưu tiên nguồn lực
Năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 85 trường chuẩn, gồm 30 trường mầm non, 26 trường tiểu học, 24 trường trung học cơ sở và 5 trường trung học phổ thông. Ngoài ra, còn có 410 trường đã quá thời hạn cần được đầu tư, thẩm định để công nhận lại. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đều có chung nhận định: Đây là bài toán không dễ giải, bởi hầu hết trường chưa đạt chuẩn hiện nay đều có khó khăn, trong đó chủ yếu là thiếu kinh phí và quỹ đất hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, năm 2021 huyện phấn đấu có thêm 9 trường chuẩn quốc gia và 23 trường đã đến thời hạn phải đầu tư để công nhận lại. Khó khăn cơ bản trong công tác xây dựng trường chuẩn của huyện là nguồn lực tài chính hạn chế, trong khi số trường học của huyện nhiều (90 trường), nhiều trường cơ sở vật chất xuống cấp phải cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư cải tạo, xây dựng lại. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện rà soát thực tế tại từng trường, xác định từng hạng mục cần đầu tư, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư tổng thể. Căn cứ kế hoạch này, UBND huyện ưu tiên bố trí kinh phí để tập trung hoàn thành mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo quận Đống Đa thông tin, năm 2021 quận đặt mục tiêu có thêm 1 trường đạt chuẩn quốc gia và đầu tư để thẩm định, công nhận lại 8 trường. Thách thức lớn đối với công tác xây dựng trường chuẩn trên địa bàn quận là diện tích đất của các trường học đều hẹp, nhiều trường khó có thể mở rộng, quỹ đất dành cho giáo dục hạn chế. Để giải quyết khó khăn này, UBND quận đã xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư để bảo đảm có 85% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025, trong đó xác định các giải pháp đồng bộ, như rà soát quy hoạch sử dụng đất, đề xuất thành phố thu hồi một số địa điểm sử dụng không đúng mục đích để ưu tiên xây dựng trường học...
Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các phòng giáo dục và đào tạo ưu tiên mọi nguồn lực ở mức cao nhất để đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 và những năm tiếp theo, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra là có từ 80 đến 85% trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học, mở rộng diện tích trường ở những nơi có điều kiện và quan tâm đầu tư xây dựng sân chơi, bãi tập, nhà đa năng... để thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới, giúp học sinh phát triển toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.