Thành phố Hồ Chí Minh: Từng bước phát triển huyện thành quận
Kinh tế - Ngày đăng : 08:50, 26/04/2021
Đô thị hóa nhanh
Vừa qua, chính quyền huyện Hóc Môn không đưa xã Trung Chánh vào danh sách xã nông thôn mới không phải do chưa đạt chuẩn mà vì địa phương này đã đô thị hóa hoàn toàn. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, ngoài Trung Chánh, các xã khác như Xuân Thới Đông, Tân Thới Nhì, Bà Điểm… của huyện cũng gần như đã đô thị hóa hoàn toàn. Theo Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh, Hóc Môn là địa phương duy nhất trong số 5 huyện đạt 30/30 tiêu chí về mặt trình độ phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng để chuyển thành quận.
Tương tự, tại huyện Nhà Bè, các xã như Phước Kiển, Phước Lộc, thị trấn Nhà Bè… cũng có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Đến nay, những địa phương này cũng không còn các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bà Đặng Thị Bích Thủy (nhà ở đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển) cho biết, gia đình bà gần 10 năm nay sống bằng nghề kinh doanh quán ăn. Hai người con của bà, người làm kỹ sư xây dựng, người làm nhân viên văn phòng. “Mặc dù nơi đây vẫn được xem là nông thôn, nhưng bà con có ai sản xuất nông nghiệp nữa đâu. Đa số mọi người đều kinh doanh, buôn bán”, bà Đặng Thị Bích Thủy cho hay.
Trong khi đó, huyện Củ Chi hiện còn tới 75% diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp (khoảng 31.000ha). Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú, tuy diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhưng chỉ khoảng 8% dân số làm nông nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 11% cơ cấu kinh tế của huyện. Vì vậy, huyện Củ Chi đề xuất trong 10 năm tới, sẽ chuyển đổi 17.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở, đất giao thông, đất thương mại - dịch vụ… nhằm khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, tạo nền tảng để phát triển thành quận.
Đầu tư bài bản
Theo đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành lập thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh mà Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh đã trình UBND thành phố, giai đoạn 2021-2025, các huyện Hóc Môn, Nhà Bè và Bình Chánh sẽ được chuyển thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh; giai đoạn 2025-2030, huyện Củ Chi và Cần Giờ sẽ được chuyển thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, để nhận diện rõ nguồn lực thực hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã yêu cầu Sở Nội vụ đổi tên thành “Đề án về đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”. Theo ông Võ Văn Hoan, vấn đề không phải chỉ là tên gọi, mà thành phố muốn nhấn mạnh vào yếu tố đầu tư và xây dựng trong quá trình phát triển các huyện thành quận. Điều này thể hiện tầm nhìn của thành phố về định hướng phát triển 5 huyện trực thuộc trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và hoàn thiện các đề án nhánh theo từng lĩnh vực. Những đề án này sẽ giữ vai trò là khung sườn cho việc triển khai những phần việc tiếp theo. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án kinh tế đô thị; Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng đề án văn hóa đô thị; Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng đề án hạ tầng đô thị; Viện Nghiên cứu phát triển thành phố xây dựng đề án con người đô thị; Sở Nội vụ xây dựng đề án quản lý nhà nước. 5 đề án nhánh trên dự kiến hoàn thành trong quý III-2021.
Về nguồn lực tài chính, theo ước tính của các địa phương, cần ít nhất 100.000 tỷ đồng để “thay áo mới” cho 5 huyện. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho rằng, cần ưu tiên ngân sách cho việc tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới. Đồng thời, cần có các cơ chế, chính sách nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định, việc phát triển các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh là quá trình dài hạn, được chuẩn bị kỹ lưỡng, qua nhiều bước, nhiều công đoạn thực hiện. “5 huyện sẽ không lên quận một cách máy móc, mà phải có quá trình đầu tư bài bản về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng đời sống của người dân tại địa phương”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.