Giám sát đến tận cùng
Chính trị - Ngày đăng : 11:34, 26/04/2021
Theo dõi các kỳ họp thường xuyên, bà Nguyễn Thị Giang ở phường Thạch Bàn (quận Long Biên) đặc biệt ấn tượng với việc thay vì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện như trước đây, Quốc hội đã ban hành nghị quyết thành lập các đoàn giám sát, tiến hành giám sát các chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân như: Phòng cháy, chữa cháy, quản lý đất đai, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em…
Quốc hội cũng đã 2 lần tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi “đến cùng” vấn đề được giám sát. “Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người dân đánh giá cao sự điều hành linh hoạt, quyết đoán của người chủ trì, sự tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội. Chúng tôi hài lòng với những câu trả lời thẳng thắn, nghiêm túc, sự cầu thị của các thành viên Chính phủ. Song tôi thấy, thời gian dành cho hoạt động chất vấn chưa bảo đảm để tất cả các chất vấn của đại biểu Quốc hội đều được trả lời trực tiếp; một số câu hỏi và trả lời chất vấn có chất lượng chưa cao, còn đi sâu vào các vụ việc cụ thể mà chưa tập trung vào những vấn đề lớn liên quan đến thể chế, chính sách vĩ mô, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành”, bà Nguyễn Thị Giang nói.
Thực tế cho thấy, có những vấn đề đã được Quốc hội chỉ ra, đề nghị triển khai nhưng cơ quan chịu sự giám sát chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đơn cử, việc thực hiện thu phí không dừng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21-10-2017, yêu cầu đến hết năm 2019 phải triển khai đồng bộ đối với tất cả các tuyến quốc lộ đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). Tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) và Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau) từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về tiến độ “rùa”, nhưng đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Một ví dụ khác là Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về việc đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, giao nhiệm vụ đến hết năm 2018, phải kiện toàn cơ bản bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung đầu mối trách nhiệm rõ ràng. Nhưng đến khi xảy ra một vụ việc, ví dụ như vụ pate Minh Chay nhiễm độc xảy ra năm 2020 thì dư luận xã hội vẫn bức xúc không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết…
Theo cử tri Nguyễn Cao Bằng, ở phường Tân Mai (quận Hoàng Mai), thực tế trên cho thấy, để nâng cao hơn nữa hiệu lực giám sát của Quốc hội, ở phía chủ thể thực hiện giám sát là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần chủ động theo đuổi vấn đề thường xuyên, liên tục.
Nêu quan điểm, hiện nay, sau khi có nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội sẽ tổ chức đánh giá lại việc thực hiện nghị quyết kết hợp với chất vấn, luật sư Nguyễn Hoài Sơn - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải có sự cam kết mạnh mẽ hơn trong việc bảo đảm triển khai các nghị quyết và kết quả giám sát chuyên đề, đồng thời chịu trách nhiệm về sự cam kết đó. Nhiệm kỳ Quốc hội (khóa XV) tới đây, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Chính phủ trong việc ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề; có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, tăng cường chế tài xử lý trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội. Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành trong triển khai thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội là căn cứ quan trọng để đánh giá tín nhiệm của Chính phủ, của thành viên Chính phủ tại mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.