Chủ động hơn nữa để chiếm lĩnh thị trường CPTPP
Kinh tế - Ngày đăng : 15:51, 27/04/2021
Đây là ý kiến được nhiều diễn giả đồng tình tại Hội thảo “CPTPP - cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam” được Bộ Công Thương tổ chức sáng 27-4, tại Hà Nội. Hội thảo nhằm tổng kết 2 năm thực hiện và tiếp tục phổ biến chuyên sâu về CPTPP, đồng thời phân tích, nhận định những cơ hội, khả năng phát triển thị trường châu Mỹ, giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh lâu dài.
Kết quả chưa như kỳ vọng
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, năm 2020 với nhiều biến động, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang châu Mỹ vẫn đạt kết quả đáng khích lệ. Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ đạt gần 111,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang 2 nước Canada và Mexico tiếp tục có mức tăng trưởng dẫn đầu trong khối thị trường CPTPP (đạt 4,4 tỷ USD tại Canada và 3,17 tỷ USD tại Mexico), tăng 12%, cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung là 7%. Những con số này khẳng định, CPTPP đang mở rộng đường cho hàng Việt sang châu Mỹ, vốn rất mới mẻ và tiềm năng.
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang châu Mỹ vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, CPTPP giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng Canada biết tới hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn và tin tưởng vào chất lượng, sản phẩm hàng hóa Việt Nam nhiều hơn. Sự gia tăng các sản phẩm phụ tùng và bán thành phẩm vào thị trường Canada cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế cũng được xuất khẩu sang Canada nhiều hơn.
Thực tế, tỷ lệ hàng hóa có tận dụng ưu đãi từ CPTPP mới chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Canada, đồng thời, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu sang Canada còn thấp.
Còn theo ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mexico đã có sự tăng trưởng, song với thị trường có dân số 128 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp thấp, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn dư địa rất lớn, trong đó có thủy sản, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ...
Trên thực tế, theo số liệu của Trade Map (Bản đồ thông tin thương mại), năm 2019, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam mới chiếm 1,3% ở Mexico và 1,1% ở Canada trong tổng nhập khẩu của các nước này. Như vậy, dư địa để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tới khối thị trường CPTPP là rất tiềm năng.
Doanh nghiệp và cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, bên cạnh những thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác trong CPTPP và khu vực châu Mỹ vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như khoảng cách địa lý lớn, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, khác biệt về ngôn ngữ và thiếu thông tin cập nhật về thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang gặp một số khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ, vấn đề chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường.
Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường châu Mỹ còn thấp được bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thẳng thắn chỉ ra là: “Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chủ động quan tâm, tìm hiểu các quy định trong CPTPP. Không ít doanh nghiệp tìm hiểu, hỏi han các quy tắc xuất xứ là do được đối tác nhập khẩu hàng hóa yêu cầu phải đưa ra chứng nhận xuất xứ thay vì chủ động chào đón bạn hàng mua hàng Việt bởi những ưu đãi thuế quan khi Việt Nam tham gia CPTPP”.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Đồ gỗ và mỹ nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, doanh nghiệp Việt tuy làm xuất khẩu nhưng chủ yếu làm gia công và có tâm lý chờ người mua hàng tìm đến.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, cần những giải pháp mới và mạnh hơn nữa. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần xây dựng, sửa đổi những văn bản pháp luật liên quan; đặc biệt, cần thông tin, truyền thông về CPTPP một cách chuyên sâu, theo ngành, lĩnh vực và thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ.
Cùng với đó, cần có giải pháp tiết giảm chi phí ngoài sản xuất, nhất là chi phí logistics. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cơ hội ưu đãi, cải thiện năng lực cạnh tranh, chú ý nghiên cứu kỹ thị trường, tìm hiểu kỹ thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng. Và quan trọng hơn, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Đồ gỗ và mỹ nghệ thành phố Hồ Chí Minh nêu giải pháp tạo tính chủ động cho doanh nghiệp bằng các giải pháp kết nối thông tin.
“Thời gian qua, chúng tôi triển khai hội chợ trực tuyến, quảng bá hội chợ đến nhiều kênh khác nhau. Trang thông tin điện tử giới thiệu đồ gỗ Việt Nam được xây dựng từ tháng 8-2020, đến nay đã có 40 nghìn lượt người truy cập để tìm hiểu thị trường. Những kết nối cụ thể đã mang lại cơ hội trực tiếp cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết.
Còn ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP đưa ra giải pháp: “Bên cạnh việc triển khai nhiều hình thức xúc tiến thương mại, để giải quyết nút thắt về xuất xứ vải sợi như quy tắc bắt buộc của các nước thuộc khối CPTPP, chúng tôi đã liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất vải, sợi trong nước để tìm ra chủng loại hàng hóa có xuất xứ trong nước và có ngay ưu đãi thuế quan”.
Thông tin tại hội thảo, ông Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, thị trường châu Mỹ cho doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ CPTPP là rất lớn. Doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi nhanh chóng để phát huy lợi thế, tạo bứt phá hơn nữa cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tới thị trường này.