Bài 9: Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đại đoàn kết toàn dân tộc

Chính trị - Ngày đăng : 06:11, 27/04/2021

(HNM) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) đã đề ra những quan điểm, chủ trương toàn diện về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan điểm này vừa kế thừa, vừa bổ sung, phát triển lên một tầm mới và ngày càng hoàn thiện hơn những quan điểm mà Đảng ta đã xây dựng trong suốt quá trình 91 năm lãnh đạo cách mạng.

Đại hội XIII xác định rõ vai trò của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Trong ảnh: Người dân kiểm tra danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức).

4 điểm mới về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa

Về vấn đề phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong các văn kiện Đại hội XIII, có 4 điểm mới sau:

Một là, bổ sung nội dung, phương châm thực hiện dân chủ. Cụ thể là, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nay được bổ sung thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Hai là, xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân thực hiện quyền làm chủ.

Ba là, khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ.

Bốn là, nêu rõ yêu cầu: “Cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội” trong thực hành dân chủ, thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Trên cơ sở đó, “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Đại hội XIII tiếp tục xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bổ sung, phát triển nhiều điểm mới. 

Một là, đã khái quát quan điểm của Đảng đối với các tầng lớp nhân dân, khẳng định những quan điểm chung nhất. Đó là: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội”.

Hai là, trong phần về giai cấp công nhân đã bổ sung nhiệm vụ, giải pháp về hoạt động của công đoàn. Cụ thể là: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Ba là, trong phần nói về giai cấp nông dân, đã nêu giải pháp “Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn… Có chính sách hợp lý để chuyển lao động nông thôn sang các ngành phi nông nghiệp. Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.

Bốn là, nhấn mạnh quan điểm: “Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài”. 

Năm là, bổ sung quan điểm: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị kinh doanh giỏi”. 

Sáu là, nhấn mạnh vấn đề: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội của thế hệ trẻ… Xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ”.

Bảy là, đề xuất quan điểm: “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. 

Tám là, nhấn mạnh yêu cầu về: “Phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và Công an nhân dân Việt Nam cách mạng trong điều kiện mới”.

Chín là, nhấn mạnh quan điểm tiếp tục chủ trương xây dựng gia đình kiểu mẫu: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. 

Mười là, nhấn mạnh yêu cầu về: “Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”.

Mười một là, tiếp tục thực hiện các chủ trương về: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Mười hai là, trong điều kiện mới, “Coi trọng nhiệm vụ hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế, đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại”. 

Mười ba là, nêu tên cuộc vận động mới: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn 2021-2025 chính là cơ sở để khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, trở thành cội nguồn sức mạnh để đất nước ta vươn lên phát triển mạnh mẽ, hoàn thành những mục tiêu mà Đảng ta đã xác định.

(Còn nữa)

(Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Hội đồng Lý luận Trung ương biên soạn).

Hiền Phương