Kinh tế Thủ đô phục hồi tích cực
Kinh tế - Ngày đăng : 14:33, 28/04/2021
Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải; lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương.
Chỉ số công nghiệp tăng 22,7% so với cùng kỳ
Hội nghị đã nghe 5 báo cáo: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 4, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5-2021; Báo cáo kết quả công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm điểm việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao trong tháng 4-2020; Triển khai Kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và thời gian trước, trong và sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Triển khai Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 5-4-2021 của UBND thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021; Triển khai Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 14-4-2021 của UBND thành phố về tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công thương năm 2021.
Đáng chú ý, tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành kinh tế Thủ đô có sự phục hồi tích cực. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 1,6% so với tháng 3 và tăng 22,7% so với tháng 4-2020 (cùng kỳ giảm 4,3%). Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, IIP thành phố tăng 11,1% so với 4 tháng năm 2020 (cùng kỳ tăng 2,3%). Hầu hết các ngành sản xuất chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, một số ngành tăng cao như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 21%; sản xuất xe có động cơ tăng 22,6%; sản xuất hóa chất tăng 22%...
Xuất nhập khẩu hàng hóa cũng phục hồi mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 đạt 1.348 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 3 và tăng 25,3% so với tháng 4-2020 (cùng kỳ giảm 0,8%). Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 4.732 triệu USD, tăng 12% so với 4 tháng năm 2020 (cùng kỳ giảm 4,7%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4 đạt 3.023 triệu USD, tăng 3,7% so với tháng 3 và tăng 38,6% so với 4 tháng năm 2020 (cùng kỳ giảm 10%)…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 đạt 50,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng 3 và tăng 50,4% so với tháng 4-2020 (cùng kỳ giảm 27,7%). Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 198,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với 4 tháng năm 2020 (cùng kỳ giảm 6,3%).
Ngành Du lịch cũng có sự khởi sắc. Thành phố đã phối hợp tổ chức hội nghị "Công bố các sản phẩm kích cầu du lịch nội địa năm 2021”. Khách trong nước đến Hà Nội tháng 4 ước tính đạt 620.000 lượt, tăng 2,5% so với tháng trước và gấp 23,7 lần so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 4 tháng đầu năm, khách trong nước đến Hà Nội đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sẵn sàng ở mức độ cao nhất ứng phó với dịch Covid-19
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh biểu dương và ghi nhận những đóng góp quan trọng của các sở, ngành, chính quyền các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021.
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý phải thắt chặt công tác phòng dịch Covid-19, nâng mức cảnh báo nguy cơ lên mức độ cao, sẵn sàng kịch bản ứng phó với mọi tình huống, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan bám sát triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố; kích hoạt các tổ công tác, đội tự quản sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra chặt chẽ người nhập cảnh; khẩn trương khoanh vùng, truy vết, cách ly y tế khi phát hiện ca bệnh; kiên quyết không để dịch lây lan trên diện rộng.
“Cần xây dựng chi tiết kịch bản của thành phố, của từng cấp, ngành, đơn vị để chủ động ứng phó dịch bệnh; kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị, địa bàn về công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có ca dương tính”, đồng chí Chu Ngọc Anh nói.
Cũng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, các cấp, các ngành phải tổ chức tốt hoạt động giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, tiến tới thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn.
Đồng thời, thành phố cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững trong quý II và các tháng cuối năm 2021; tăng tốc phát triển kinh tế, đón đầu cơ hội đầu tư từ các đối tác quan trọng của thành phố, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021. Trước mắt, tập trung phối hợp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; quyết liệt tháo gỡ các rào cản để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Trước tình hình từ đầu năm 2021 đến nay, bình quân khoảng 10 vụ cháy, nổ xảy ra thì có 1 người chết và 1 người bị thương, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND cấp xã thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với các khu dân cư, cơ sở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phụ trách.
“Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng công tác của UBND cấp huyện, xã. Địa phương nào xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm trước Thành ủy, HĐND, UBND thành phố”, đồng chí Chu Ngọc Anh nói.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thành phố. Trong đó, các đơn vị cần tiếp tục công khai, minh bạch hóa thông tin, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng về: Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính… cho công dân, doanh nghiệp trên website hoặc trang thông tin điện tử.
Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, các sở, ngành, đơn vị phải quán triệt nguyên tắc: Đối với một hồ sơ xử lý công việc, một vụ việc chỉ cần có ý kiến thỏa thuận, hướng dẫn bằng một văn bản để hạn chế số lần đi lại và thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan tiếp nhận thông báo một lần bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân về toàn bộ nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ.