Hà Nội: Quan tâm toàn diện đến người có công

Đời sống - Ngày đăng : 15:31, 30/04/2021

(HNMO) - Chiến tranh lùi xa, đất nước thống nhất, hai miền Bắc - Nam sum họp đã 46 năm (30/4/1975 - 30/4/2021), song những nỗi đau do chiến tranh gây ra vẫn còn tồn tại dai dẳng. Để góp phần xoa dịu nỗi đau, trong những năm vừa qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm toàn diện đến đời sống người có công với cách mạng và thân nhân.

Chăm sóc sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (xã Viên An, huyện Ứng Hòa).

Đời sống ngày càng ổn định

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 800.000 người có công, trong đó có hơn 90.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn quan tâm, chăm lo toàn diện đến người có công. Nhờ đó, đến nay, Hà Nội không còn gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; cơ bản không còn người có công gặp khó khăn về nhà ở; 100% người có công và thân nhân có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Ông Chu Công Lý, thương binh hạng 1/4 ở xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) cho biết: “Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, gia đình tôi thường xuyên được các cơ quan, đơn vị chức năng thăm hỏi, động viên, tặng quà. Đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao”.

Trường hợp người có công và thân nhân của người có công không còn người thân chăm sóc được thành phố đưa vào nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Vũ Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, đóng tại xã Viên An (huyện Ứng Hòa) cho hay, trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên 43 người có công, thuộc đối tượng thương binh, vợ liệt sĩ, mẹ liệt sĩ, con liệt sĩ. Mỗi người một hoàn cảnh, một miền quê, nhưng đều có điểm chung là phải gánh chịu đau thương, mất mát do chiến tranh để lại. Để người có công an yên vui sống, Trung tâm bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, luôn quan tâm, chăm sóc bằng tất cả ân tình và trách nhiệm.

Tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, đóng tại phường Biên Giang (quận Hà Đông), 4 thương binh, bệnh binh nặng được nuôi dưỡng suốt đời tại đây luôn được sống trong bầu không khí ấm áp tình cảm gia đình. Bà Nguyễn Thị Thái, là vợ bệnh binh Lê Văn Tý, đã sống ở Trung tâm gần 20 năm chia sẻ: “Do vết thương quá nặng, nhiều năm qua, mọi sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật của chồng tôi đều cần sự trợ giúp từ người khác. Tuy vậy, chồng tôi chưa bao giờ phải thiếu thốn bất cứ thứ gì. Đó là nguồn động viên lớn lao, giúp các thành viên trong gia đình tôi cố gắng sống tốt”.

Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đóng tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì). Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị cho gần 100 nạn nhân chất độc da cam/dioxin là con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Có con gái bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin được chăm sóc tại đây, ông Trần Quang Thi, xã Kim An (huyện Thanh Oai) xúc động: “Sau hơn 2 năm sống tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Hà Nội, sức khỏe của con tôi chuyển biến tích cực. Cháu luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ đội ngũ cán bộ của Trung tâm, các cơ quan chức năng và cộng đồng”.

Nạn nhân chất độc da cam/dioxin sống tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) được chăm lo từ những việc nhỏ.

Tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tri ân

Để người có công và thân nhân có cuộc sống ổn định hơn, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, năm 2021, thành phố phấn đấu vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt tối thiểu hơn 22 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp ít nhất 47 công trình ghi công liệt sĩ…

Dù cơ bản không còn người có công gặp khó khăn về nhà ở hay phải sống trong cảnh nghèo, nhưng chính sách hỗ trợ nâng cao mức sống cho người có công vẫn được các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội duy trì. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2021, toàn thành phố dự kiến hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở cho ít nhất 227 hộ gia đình; tặng gần 3.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho người có công và thân nhân. Đặc biệt, các mẹ liệt sĩ mới được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” sẽ được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng thường xuyên với mức tối thiểu 1 triệu đồng/trường hợp/tháng…

Dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), dự kiến, thành phố sẽ tặng tổng số hơn 123.000 suất quà, với tổng kinh phí hơn 99 tỷ đồng đến nhiều đối tượng người có công. Trị giá các phần quà và đối tượng người có công được tặng quà sẽ được mở rộng hơn vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các quận, huyện, thị xã cũng tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tri ân, chăm lo cho người có công. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Thanh Xuân cho biết, năm 2021, toàn quận phấn đấu vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt tối thiểu 500 triệu đồng; hỗ trợ về nhà ở cho ít nhất 20 hộ gia đình người có công…

Cùng với việc nâng cao mức sống, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Hiện tại, Ban Chỉ đạo xác nhận người có công thành phố Hà Nội đang thực hiện quy trình đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với 6 hồ sơ tồn đọng do Ban Chỉ đạo xác nhận người có công với cách mạng được hai huyện Mê Linh, Đan Phượng đề nghị.

Qua những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ, trong mọi thời điểm, hoàn cảnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân nhân Thủ đô luôn coi việc chăm lo, thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi với người có công là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là ân tình, trách nhiệm cao cả, thiêng liêng.

Minh Vũ