Đồng bằng sông Cửu Long: 46 năm vựa lúa chuyển mình
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:57, 30/04/2021
Bảo đảm an ninh lương thực
Năm 1975, diện tích canh tác lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có hơn 2 triệu héc ta, trong đó hơn 1,5 triệu héc ta là lúa ruộng một vụ, năng suất thấp, sản lượng từ 5-7 triệu tấn/năm. Đất nước thống nhất, nhưng hậu quả chiến tranh tàn phá nặng nề. Thời kỳ đó, mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn lương thực.
GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhớ lại: Ngay từ năm 1977, Đảng và Nhà nước đã thành lập Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiệm vụ lai tạo các giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng, giải quyết vấn đề bức thiết về an ninh lương thực cho cả nước. Trong thời gian ngắn, với việc cho ra đời các giống lúa cao sản ngắn ngày mang thương hiệu OM trồng trước và sau lũ, Viện đã cung cấp cho nông dân các giống lúa có thời gian sinh trưởng 110-120 ngày, tiếp đến 105-110 ngày và gần đây là cực ngắn 90-100 ngày. Các loại lúa này sinh trưởng tốt, kháng sâu bệnh, năng suất cao. Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước cho các công trình thủy lợi, các giống lúa OM chủ lực đã giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long phát triển từ lúa 1 vụ lên lúa 2 vụ, rồi 3 vụ/năm.
Sau năm 1986, sản xuất lúa gạo Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đưa nước ta thành cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới. Chỉ tính riêng thập niên 1990, diện tích canh tác toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng bình quân gần 100.000ha/năm; đến năm 2020 là hơn 4 triệu héc ta. Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: "46 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), năng suất lúa Đồng bằng sông Cửu Long từ 5-6 triệu tấn vào năm 1977, nay lên đến hơn 20 triệu tấn/năm. Thời kỳ ăn no đã qua, đã đến lúc lúa gạo Việt Nam tham gia cuộc chơi ở tầm cao hơn".
Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM) thực hiện cho thấy, hiện Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% rau, quả và là khu vực có tầm quan trọng trong bảo đảm an ninh, chính trị, phát triển kinh tế của đất nước.
Hướng đến tầm cao mới
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), hiện Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu, mặt trái từ phát triển kinh tế - xã hội chưa bền vững, tỷ lệ di dân tự do tăng cao… Các số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng thua kém so với Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Thực tế này đòi hỏi cần sớm có những chiến lược chuyển đổi mang tính toàn vùng.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh An Giang Hồ Thanh Bình, Trưởng khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang cho rằng, với lợi thế của 700km chiều dài bờ biển và là vùng cửa ngõ quốc tế giao lưu với khu vực Đông Nam Á và vùng Ấn Độ Dương, vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long rộng hơn 40.600km2 có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia. Còn theo ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long, đây là vùng đất nông nghiệp, nên rất cần và hoàn toàn có thể chuyển hướng mạnh mẽ từ nền nông nghiệp lạc hậu truyền thống, với tư duy nặng về thâm canh chuyển sang nền nông nghiệp thông minh, tập trung vào chuỗi giá trị và chất lượng.
Nhận thức rõ những thách thức và tiềm năng phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã, đang và sẽ dành sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án tại 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số bộ như: Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế… để triển khai các công trình dự án đạt khoảng 121.600 tỷ đồng. Về nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Chính phủ xác định bổ sung 2 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025 cho toàn vùng.
Nguyên Thủ tướng Chính phủ, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2021 đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh đầu tư để xây dựng hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp Đồng bằng sông Cửu Long chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển lên một tầm cao mới. “Cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp đột phá hơn nữa, đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển ngày càng thịnh vượng, bền vững”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu, sau 46 năm, kể từ ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước là rất quan trọng để Đồng bằng sông Cửu Long chuyển mình phát triển mạnh mẽ hơn nữa. "Hậu Giang cũng sẽ chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển hướng mạnh mẽ sang nền nông nghiệp thông minh, giúp người dân tạo ra giá trị kinh tế cao hơn trên từng diện tích đất…", Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu nói.