Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tập trung góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại
Chính trị - Ngày đăng : 06:44, 30/04/2021
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, không chỉ Quốc hội, mà đồng bào và cử tri cả nước đều đánh giá và ghi nhận Quốc hội khóa XIV đã thực hiện tốt các mặt hoạt động, trong đó hoạt động ngoại giao nghị viện, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ phục vụ Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ giám sát, Ủy ban Đối ngoại còn điều phối và thực hiện quan hệ đối ngoại với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội.
Cụ thể, các luật, điều ước quốc tế do Ủy ban Đối ngoại chủ trì thẩm tra đều được Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Ngoài việc tham gia đoàn giám sát chung và công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại còn tiến hành giám sát ở cấp ủy ban và đã tham gia mô hình giám sát chung với Quốc hội các nước. Ủy ban đã tham mưu tốt cho Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quan hệ đối ngoại trên các kênh ngoại giao nghị viện song phương; chủ động tham gia tích cực trên các diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực; phối hợp tốt với các kênh ngoại giao của Đảng, Chính phủ và ngoại giao nhân dân. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban đã tham mưu giúp Quốc hội chủ trì, đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA-41) theo hình thức trực tuyến thành công tốt đẹp…
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban khởi thảo kế hoạch, chương trình hành động tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Ủy ban trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV dựa trên quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban tại Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ mười một về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; những quan điểm, định hướng lớn về công tác đối ngoại được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đó là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cần xác định những vấn đề trọng tâm, chiến lược, địa bàn trọng điểm trong các hoạt động song phương và đa phương với một mục tiêu tất cả vì lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân và lấy lợi ích quốc gia là tối thượng; chú ý xây dựng ngoại giao kinh tế lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.