Tạo nguồn nhân lực chất lượng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 01/05/2021
Giai đoạn 2015-2020, cả nước đã tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm cả nước đưa được hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ đó, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.
Tuy có được nhiều kết quả khả quan, nhưng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế trong nước và thế giới, đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần thẳng thắn nhìn nhận, thị trường lao động đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Trong đó, khó khăn trực tiếp, hiện hữu trước mắt là dịch Covid-19 đã làm gia tăng đáng kể số lao động mất, thiếu việc làm. Thực tế này phần nào cho thấy độ bền vững của thị trường lao động không cao. Chưa kể, nước ta đang chuẩn bị đối mặt với tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động hiện đại...
Để nền kinh tế phát triển thì bắt buộc thị trường lao động cũng phải phát triển tương ứng, thậm chí phải đi trước một bước nhằm đón đầu cơ hội. Đồng thời, sự thanh lọc của thị trường lao động sẽ ngày càng khắc nghiệt, do đó yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cơ cấu lao động dịch chuyển rất nhanh; những ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động sẽ dần mất đi, thay vào đó là những ngành nghề mới đòi hỏi người lao động phải có trình độ nhất định... Xu hướng này sẽ dẫn đến những thay đổi căn bản trong thị trường lao động, đặc biệt với lao động ở vùng nông thôn. Do đó, công tác dự báo xu hướng về ngành nghề, lĩnh vực kinh tế - xã hội mới… cần được cơ quan chức năng thực hiện bài bản hơn, từ đó đưa ra những dự báo chuẩn xác để có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực cho cả trước mắt và lâu dài.
Việc làm trong tương lai sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho một số đối tượng, nhưng cũng lấy đi cơ hội của những người làm việc giản đơn, năng suất thấp. Thực tế này đòi hỏi công tác đào tạo nghề phải đi đúng hướng, bám sát nhu cầu của thị trường lao động trong nước và ngoài nước. Theo đó, các cơ sở đào tạo nghề phải có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn. Sự chủ động liên kết trong tuyển sinh, đào tạo giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp cần chặt chẽ, hiệu quả mới có thể đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động.
Thị trường lao động càng phát triển thì yêu cầu về dịch vụ việc làm ngày càng tăng. Vì vậy, hệ thống trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm trên cả nước cần làm tốt hơn nhiệm vụ thu thập, phân tích, dự báo, kết nối cung - cầu về lao động… Trong đó, chú trọng kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các địa phương có nguồn lao động lớn để điều tiết nguồn nhân lực hợp lý.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành, bản thân mỗi người lao động cũng cần ý thức về tầm quan trọng của việc không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, tay nghề - cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm - để đáp ứng những đòi hỏi mới ngày càng cao.
Tạo nguồn nhân lực chất lượng là “chìa khóa” giúp người lao động tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững, đồng thời góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.