Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường

Chính trị - Ngày đăng : 06:32, 01/05/2021

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các bộ: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường để tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, giúp các bộ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao, từ đó đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phải nỗ lực rất lớn bởi tinh gọn bộ máy sẽ đụng đến lợi ích cá nhân

Tại buổi làm việc ngày 28-4 với lãnh đạo Bộ Nội vụ về tình hình, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ thời gian tới, trong đó có việc xây dựng bộ máy tổ chức với tinh thần là giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Nội vụ kế thừa phát huy các kết quả, thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, trên cơ sở đó có những đổi mới và phát triển, làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. “Nếu không phát huy tính chủ động, sáng tạo, năng động, cứ trông chờ, ỷ lại thì công việc không thể chạy”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, công việc của Bộ Nội vụ rất nặng nề, đụng đến bộ máy, đến con người là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp. Vì thế, phải nghiên cứu kỹ lưỡng, cầu thị, xem xét nhiều chiều, lắng nghe ý kiến trái chiều, ý kiến phản biện, trao đi đổi lại rồi mới làm. Khi đã thống nhất nhận thức thì quyết tâm chính trị phải rất cao. Cùng với đó, phải có nỗ lực rất lớn bởi vấn đề tổ chức, tinh gọn bộ máy sẽ đụng đến lợi ích cá nhân.

Thủ tướng lưu ý, vấn đề càng khó, càng nhạy cảm, phức tạp thì càng phải phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, huy động trí tuệ tập thể, tạo đồng thuận, thống nhất cao. Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục làm. Những vấn đề gì chưa có quy định hay thực tế vượt quá quy định thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không nóng vội và không cầu toàn.

Đi vào một số vấn đề cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ cần tập trung rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của các bộ, ngành với tinh thần là giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, giảm cấp phó, cương quyết bỏ cấp phòng trong vụ, kết thúc cấp hàm. Bộ cần tập trung khẩn trương hoàn thiện Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương trong xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm, miêu tả khung năng lực; hoàn thiện chức danh tương đương trong hệ thống chính trị.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào 5 nhiệm vụ chính

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp cần tập trung tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.

Kết luận nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quán triệt đến từng lãnh đạo bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, chuyên viên các nguyên tắc dưới đây khi xử lý công việc: Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý công việc; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo; bảo đảm thượng tôn pháp luật, xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp bảo đảm tính khả thi, đi vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống; khi xử lý công việc, bảo đảm thống nhất trong nhận thức, nghiên cứu kỹ lưỡng, có căn cứ thực tiễn, căn cứ pháp lý; cần nỗ lực cao, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý dứt điểm không dây dưa, kéo dài.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung vào 5 nhiệm vụ chính: Xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn kiểm tra, giám sát; thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật. Tinh thần là làm sao chuyển từ bị động sang chủ động, tiền kiểm sang hậu kiểm để ít phiền hà nhất cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương; đồng thời giảm thiểu các sai phạm.

Theo Thủ tướng, trước mắt, Bộ cần ưu tiên tập trung tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi; lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025, theo đúng chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14-6-2019.

TTXVN