Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phải hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp như là việc của nhà mình
Kinh tế - Ngày đăng : 18:55, 19/12/2022
Chiều nay, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự tại điểm cầu trụ sở Bộ Tài chính. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành.
Về phía Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải tham dự hội nghị.
Thu ngân sách vượt 19,8% so dự toán
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2022, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN).
Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... với tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn dự kiến khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 15-12-2022, đã thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, gồm số tiền gia hạn khoảng 105,9 nghìn đồng (số thuế gia hạn đã nộp NSNN khoảng 76,33 nghìn tỷ đồng); số tiền miễn, giảm khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng.
Việc triển khai có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế, kết hợp với tăng cường công tác quản lý thu đã tác động tích cực đến kết quả thu NSNN năm 2022. Tính đến ngày 15-12-2022, thu NSNN đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội.
Về chi ngân sách, đến ngày 15-12-2022, chi NSNN ước đạt xấp xỉ 1.450 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán. Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng (bao gồm dự phòng năm 2021 chuyển sang) gần 5,2 nghìn tỷ đồng để bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai; tạm cấp bổ sung gần 4,3 nghìn tỷ đồng cho 30 địa phương để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43-44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18-19% tổng thu NSNN; thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội…
Năm 2023, dự toán thu NSNN là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, dự toán chi NSNN là 2.076,2 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN (bao gồm cả phần cho Chương trình phục hồi) khoảng 4,42% GDP.
Để thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2023, Bộ Tài chính đề ra 11 giải pháp lớn. Trong đó, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội; chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng...
Bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2022 mặc dù có nhiều khó khăn, song kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 8%, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong thành tích chung đó, có đóng góp của ngành Tài chính.
Với kết quả trên, Thủ tướng chỉ ra 5 bài học là: Sự đoàn kết, kỷ cương, sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa ngành Tài chính với các bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ; nắm chắc, theo dõi sát tình hình, phân tích để có phản ứng chính sách nhanh, nhạy, kịp thời, hiệu quả, phù hợp; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo Thủ tướng, việc phối hợp các chính sách rất quan trọng. Vì vậy, "các bộ, ngành phải chủ động, phối hợp với nhau như công việc của nhà mình, lo công việc của bộ mình như công việc của nhà mình, lo cuộc sống của nhân dân như lo cuộc sống của nhà mình, hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp như là doanh nghiệp của nhà mình thì mới hiểu được", đồng chí Phạm Minh Chính nói.
Một bài học nữa là đẩy mạnh chuyển đổi số. Thủ tướng cho rằng phải chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Tài chính để giảm bớt chi phí, thủ tục, giảm phiền hà cho người dân. Bên cạnh đó là bài học hoàn thiện về thể chế.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong năm 2023, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn bởi hậu quả của dịch Covid-19 vẫn còn, lạm phát cao trên thế giới khiến người dân khó khăn, nhu cầu ít đi, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp… Vì vậy, ngành Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp.
Nhấn mạnh, toàn ngành cần đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng giao ngành Tài chính tập trung nghiên cứu xây dựng phương án, nhiệm vụ, giải pháp mục tiêu để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, trong đó cân đối thu - chi, phấn đấu bội thu để giảm bội chi, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ; tăng đầu tư phát triển; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực cho hợp lý; tập trung vào động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; có công cụ điều tiết giá cả, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Đồng thời, đồng chí Phạm Minh Chính đưa ra hơn 10 nhiệm vụ cụ thể đối với ngành Tài chính. Trong đó, Bộ Tài chính xây dựng chương trình hành động và thực hiện chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, chú trọng phối hợp các ngành, địa phương, tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, trong đó tạo đột phá về thể chế, có vướng mắc phải tháo gỡ; quản lý thu chi, thu đúng, đủ, kịp thời, chống thất thu, quản lý hiệu quả nguồn thu mới phát sinh, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước, tập trung chuyển đổi số để việc thu ngân sách bảo đảm công khai, minh bạch; tổ chức điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm tối đa, tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ đầu năm, bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi quan trọng và nhiệm vụ cấp bách khác.
Nhiệm vụ khác là củng cố, phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng các thị trường về tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp. Liên quan đến thị trường trái phiếu, theo Thủ tướng, bên cạnh những điểm sáng thì đây là "điểm mờ" của ngành Tài chính trong năm 2022. Vì vậy, giải pháp là ngồi với các nhà phát hành trái phiếu, nhà đầu tư để bàn bạc, xem xét cùng nhau tháo gỡ…
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp, tăng cường quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường thanh kiểm tra, đặc biệt là sử dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số, để thanh, kiểm tra về tài chính; đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực…
Thủ tướng tin tưởng, năm 2023 ngành Tài chính có nhiều đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả, vượt qua khó khăn, thách thức và hoàn thành xuất sắc hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước so với năm 2022.