Số hóa và nghệ thuật không biên giới

Văn hóa - Ngày đăng : 05:25, 02/05/2021

(HNMCT) - Công nghệ số đang mang đến cho công chúng trên khắp thế giới cơ hội tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật kinh điển vốn được lưu giữ cẩn mật trong các viện bảo tàng với chất lượng cao. Bên cạnh đó, công nghệ này cũng làm thay đổi quan niệm chung về giá trị tác phẩm và cách thức tổ chức các sự kiện nghệ thuật trong thời đại hiện nay.

Liên hoan phim Goteborg Thụy Điển 2021 được tổ chức trên một hòn đảo cô lập trong 7 ngày với 70 bộ phim và 1 khán giả duy nhất.

Chuyện chỉ có ở thời số hóa

Mới đây, bức tranh ghép kỹ thuật số “Everydays: The First 5.000 Days” của nghệ sĩ người Mỹ Beeple được bán với mức giá kỷ lục 69,3 triệu USD tại một phiên đấu giá của hãng Christie's danh tiếng đã khiến cả thế giới “choáng váng”. Báo chí nước ngoài đánh giá: Đây là một dấu mốc cho thấy ngành sáng tạo nghệ thuật dựa trên nền tảng kỹ thuật số đang nhanh chóng định hình như một ngành sáng tạo mới và sinh lời cao.

Nghệ sĩ 39 tuổi này chia sẻ, tác phẩm của anh được thực hiện trong suốt 5.000 ngày liên tục, mỗi mảnh ghép là một bức ảnh kỹ thuật số, tác phẩm định dạng tập tin hình ảnh JPEG, mang đầy đủ tính mỹ thuật, thông điệp, độ tinh xảo và ẩn chứa nhiều ý nghĩa không thua kém bất kỳ bức tranh sơn dầu nào trong thế giới thực. Trái với sự lo lắng về việc những tác phẩm ảnh kỹ thuật số có thể được chia sẻ rộng rãi trên internet và dễ dàng bị sao chép, tính sở hữu và nguyên gốc của tác phẩm này được xác định bởi công nghệ NFT (non-fungible token). NFT là một loại token mã hóa trên blockchain (công nghệ chuỗi số) đại diện cho một tài sản duy nhất, không thể thay thế, không thể sao chép hay làm nhái.

Bên cạnh việc tạo ra những sản phẩm mang tính thời đại, số hóa còn làm thay đổi hoàn toàn cách thức tổ chức các sự kiện nghệ thuật. Liên hoan phim Goteborg 2021 được tổ chức hồi tháng 2 vừa qua đã mang đến một trải nghiệm xuất sắc và chưa từng có trong lịch sử điện ảnh: Liên hoan được tổ chức trên một hòn đảo biệt lập trong 7 ngày với 70 bộ phim và 1 khán giả duy nhất! Liên hoan phim Goteborg - Thụy Điển là một sự kiện thường niên đã diễn ra từ năm 1979 đến nay. Đây là một liên hoan phim cực kỳ nổi tiếng ở bán đảo Scandinavia, thu hút tới 155.000 du khách mỗi năm.

Nhưng năm nay, để đối phó với dịch Covid-19, liên hoan đã được chuyển sang hình thức chiếu online và chỉ có 1 khán giả trực tiếp. Giám đốc nghệ thuật của liên hoan phim chia sẻ rằng, ý tưởng này được nảy sinh sau khi ông chứng kiến ngày càng có nhiều người xem phim để bớt buồn chán trong thời gian phải giãn cách xã hội vì đại dịch. Điều này cũng là để chứng minh: Công nghệ số đã giúp mang cả thế giới đến ngôi nhà của bạn. Và năm nay cũng là năm đầu tiên, giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar chấp nhận cả các phim công chiếu trên nền tảng kỹ thuật số.

Những “báu vật” được công khai

Sự chuyển dịch sang nghệ thuật kỹ thuật số không phải là một điều mới mẻ mà đã trở thành một xu hướng lớn từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ngoài điện ảnh, bảo tàng cũng là ngành có chuyển động số hóa vô cùng mạnh mẽ. Hầu hết các bảo tàng lớn trên thế giới đều đã số hóa kho lưu trữ của họ, giúp cho việc xem và tìm hiểu về các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của các họa sĩ, nhà điêu khắc và thợ in bậc thầy trên thế giới... đối với công chúng ngày càng trở nên dễ dàng hơn.

Chẳng hạn, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington DC (Mỹ) đã số hóa và cung cấp lên mạng hơn 45.000 tác phẩm nghệ thuật được chia theo các chủ đề khác nhau. Ở đây, bạn có thể tìm thấy những tác phẩm kinh điển với độ phân giải cao như “Bức chân dung tự họa” của Van Gogh vẽ năm 1889, những cảnh văn hóa dân gian cổ đại của Giovanni Battista Tiepolo, bức tranh sơn dầu mang tính biểu tượng “Rừng nhiệt đới với những chú khỉ” của Henri Rousseau, những tác phẩm quý từ năm 1844 - 1910...

Ngoài ra, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật trực tuyến của riêng mình bằng cách sử dụng một số ứng dụng để sắp xếp, lưu trữ và chú thích cho từng tác phẩm nghệ thuật, điều họ không thể thực hiện trước đây. Trải nghiệm này vô cùng hữu ích cho giới sinh viên và học giả nghệ thuật.

Dù là xu hướng nhưng ít ai nghĩ rằng sau năm 2020, dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu đã biến số hóa trở thành một nghĩa vụ, một điều bắt buộc giúp các đơn vị nghệ thuật tồn tại. Chỉ trong vòng 1 năm, công chúng đã chứng kiến nhiều sự kiện được tổ chức với cách thức chưa từng có như hòa nhạc không khán giả, liên hoan phim chỉ có một người... Và chắc chắn sẽ còn nhiều hơn thế những điều “kỳ lạ” mà số hóa có thể mang đến cho đời sống giải trí của chúng ta.

Lê Thủy