Kiểm soát chặt chẽ thịt lợn từ lò mổ đến chợ dân sinh

Nông nghiệp - Ngày đăng : 05:48, 03/05/2021

(HNMO) - Nhiều cơ sở giết mổ thủ công, nhỏ lẻ vẫn hoạt động trong khu vực dân cư; nhiều tiểu thương vẫn chở thịt lợn tiêu thụ tại các chợ dân sinh bằng xe máy, không che đậy… Mùa hè đang đến, nguy cơ dịch bệnh tăng cao, vậy đâu là giải pháp để kiểm soát sản phẩm thịt lợn trên thị trường?

Hầu hết tiểu thương vẫn vận chuyển thịt lợn bằng xe máy.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Bà Nguyễn Thị Thịnh, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết: "Gia đình tôi đã kinh doanh mặt hàng này 10 năm nay, trung bình mỗi ngày lấy khoảng 1 tạ thịt từ lò giết mổ ở huyện Thanh Trì, do buôn bán nhỏ lẻ nên hằng ngày vẫn chở thịt lợn bằng xe máy".

Tương tự, bà Trần Thị Vân Anh, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho hay: “Thịt lợn lấy từ lò mổ tại xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) đã được các ngành chức năng kiểm soát, nhưng tôi vẫn phải vận chuyển bằng xe máy vì không có ô tô lạnh như các doanh nghiệp”.

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 800 - 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm (trong đó 75-80% là thịt lợn) và hiện mới kiểm soát được 60% sản lượng tiêu thụ trên thị trường. Việc vận chuyển thịt lợn bằng xe máy từ các cơ sở giết mổ đến chợ dân sinh vẫn chiếm phần lớn.

Nguyên nhân là do có nhiều chợ truyền thống nằm sâu trong các ngõ, hẻm xe chuyên dụng (xe lạnh) không đi vào được… Mặt khác, người tiêu dùng quen mua bán gần nhà, ngại đến siêu thị hay những nơi có đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh sản phẩm thịt động vật.

“Vào mùa hè, khí hậu ở miền Bắc nắng nóng, thịt lợn rất dễ bị ôi thiu, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm. Trước đây, thành phố đã hỗ trợ thùng vận chuyển (thùng inox, thùng tôn) nhưng không phù hợp nên các tiểu thương vẫn vận chuyển theo cách truyền thống. Mặt khác, việc kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương chưa được thường xuyên, trong khi đó việc cải tạo, nâng cấp các chợ đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn…”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.

Kiểm soát chặt từ “gốc”

Thực tế, người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng thịt “nóng” thay vì thịt cấp đông nên để kiểm soát chất lượng thịt lợn bán trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Chữ, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng thịt lợn sạch, thịt lợn làm mát, cấp đông bảo đảm an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng của thành phố và địa phương cần xử lý nghiêm các lò giết mổ thủ công không được cấp phép… Đặc biệt, cần tăng cường các giải pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thịt lợn được giết mổ...

Mặt khác, để kiểm soát sản phẩm thịt lợn từ “gốc”, ông Hoàng Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai cho rằng, các sở, ngành chức năng cần tiếp tục tham mưu cho thành phố có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ lợn bán công nghiệp hoặc công nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó là triển khai giải pháp tạo quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, chính quyền địa phương phải quyết liệt triển khai thực hiện mạng lưới cơ sở giết mổ đã được thành phố phê duyệt tại Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020; đóng cửa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển sản phẩm động vật không đúng quy định…

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền các quy định về vận chuyển sản phẩm động vật để tiểu thương hiểu và thực hiện; đồng thời có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng xe chuyên dụng để vận chuyển nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.  

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng chỉ đạo, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các trạm, chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố cần tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm ở các tỉnh, thành phố về Hà Nội với mục đích để giết mổ. Cùng với đó là công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, buôn bán thịt lợn nghi mắc bệnh, lợn bệnh, lợn chết để người tiêu dùng biết, tránh lựa chọn sử dụng, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ngọc Quỳnh