Chất lượng môi trường làng nghề - chậm cải thiện
Công nghệ - Ngày đăng : 06:05, 04/05/2021
Làng nghề vẫn ô nhiễm
Thực hiện đề án nói trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã rà soát, đánh giá môi trường tại 228 làng nghề truyền thống, theo 5 nhóm: Làng nghề thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; chế biến nông sản thực phẩm; tái chế kim loại và các làng nghề khác. Kết quả phân tích các quy chuẩn về môi trường cho thấy, cả 5 nhóm làng nghề này đều gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Trong đó, nhóm làng nghề chế biến nông sản thực phẩm có nhiều thông số ô nhiễm ở mức cao, vượt quy chuẩn từ 1,05 đến 26,5 lần.
Điển hình như tại xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) có gần 100 hộ chế biến nông sản thực phẩm. Dịp sản xuất cao điểm, các hộ thải ra môi trường 700-800m3 nước thải/ngày. Ông Nguyễn Hữu Diên ở xã Tân Hòa cho biết: “Mặc dù các hộ đã xây dựng hệ thống bể lắng, lọc để hạn chế chất thải ra môi trường nhưng do quy trình xử lý thủ công nên nguồn nước và không khí vẫn bị ô nhiễm”.
Lý giải về tình trạng trên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín Lê Mạnh Hùng cho biết, do phần lớn các hộ trong làng nghề gặp khó khăn về tài chính, không đủ điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Hơn nữa, hoạt động sản xuất phân tán, nhỏ lẻ trong khu dân cư nên việc thu gom, xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn.
Còn Trưởng phòng Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Trọng Nhất nhận định: Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn thiếu, chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của nhiều hộ sản xuất còn thấp và thiếu sự chung tay bảo vệ môi trường của cộng đồng..., những bất cập này chính là nguyên nhân khiến môi trường làng nghề ở Hà Nội thời gian qua chậm được cải thiện.
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng
Từ thực tế triển khai “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” hơn 3 năm vừa qua, nhiều chuyên gia nhận định, để tạo bước chuyển mới, các cấp, ngành, chính quyền cơ sở phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Với những làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng, các địa phương cần lập, trình UBND cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường để tổ chức thực hiện...
Đồng tình với định hướng này, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai Bùi Thị Thúy Hường cho biết, Thanh Oai đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến từng hộ sản xuất trong 51 làng nghề trên địa bàn huyện; đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn đôn đốc cơ sở sản xuất xây dựng hệ thống thu gom chất thải theo đúng quy định. Còn theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín Lê Mạnh Hùng, huyện đang tập trung hoàn thiện thủ tục xây dựng thêm 4 cụm công nghiệp tại các xã: Hòa Bình, Hiền Giang, Lê Lợi và Văn Bình để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp.
Trên bình diện toàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái thông tin, hiện tại, các cơ quan chức năng của thành phố đang thúc đẩy tiến độ cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng 70 cụm công nghiệp đang hoạt động; đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp thành lập trong giai đoạn 2018-2020; đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư vào 46 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch...; phấn đấu đến năm 2025, toàn thành phố có 159 cụm công nghiệp làng nghề, bảo đảm di dời các làng nghề gây ô nhiễm vào hoạt động.
Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố kêu gọi đầu tư vào 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn 569 tỷ đồng và đầu tư 46 cụm công nghiệp làng nghề cho các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì và quận Hà Đông với tổng vốn 8.983,8 tỷ đồng... Khi hoàn thành, các dự án này sẽ cơ bản xử lý được ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố.
Định hướng về lâu dài đã khá cơ bản, song trong khi chờ các dự án được triển khai thì các hộ làm nghề, các làng nghề phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường; chính quyền sở tại cũng cần tuyên truyền và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này. Chỉ khi cả cộng đồng cùng chung trách nhiệm thì ô nhiễm môi trường làng nghề mới được đẩy lùi và làng nghề sẽ phát triển bền vững.