Bộ Tài chính: Đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết

Kinh tế - Ngày đăng : 19:38, 04/05/2021

(HNMO) - Theo Bộ Tài chính, việc đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc để huy động nguồn lực của xã hội nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, toàn diện là cần thiết và có cơ sở pháp lý. Cơ quan này cũng nêu quan điểm về đề xuất của Vietnam Airlines tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay.

Ảnh minh họa: Internet

Số thu từ phí sử dụng đường bộ rất thấp

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, gồm các đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; La Sơn - Túy Loan (Huế); Nội Bài - Nhật Tân (Hà Nội) và 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công.

Người dân cho rằng, hiện tại doanh nghiệp và người dân lưu hành xe đã phải nộp các khoản phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu, vì thế việc thu phí này liệu có đảm bảo hài hòa lợi ích?

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ Tài chính cho biết, Điểm 1.1 Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí đã quy định: “Phí sử dụng đường bộ” (trong đó có đường cao tốc) là phí thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Hiện nay, số thu từ phí sử dụng đường bộ (theo đầu phương tiện) rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu cho hoạt động bảo trì đường bộ, do đó dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân và gây mất an toàn cho người tham gia giao thông (hằng năm, ngân sách nhà nước còn phải cấp bổ sung từ 3.000-4.000 tỷ đồng cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý). Vì vậy, cũng cần phải nghiên cứu để có các cơ chế phù hợp nhằm bổ sung nguồn thu để đáp ứng nhu cầu bảo trì đường bộ, phát triển hệ thống đường cao tốc.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm huy động, khơi thông nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đã nêu: Sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền… để tăng tính thương mại của dự án và sự đóng góp của người sử dụng. Tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22-11-2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã giao Chính phủ: Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước…

“Căn cứ các quy định trên, việc đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc để huy động nguồn lực của xã hội nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, toàn diện là cần thiết và có cơ sở pháp lý. Qua đó, tạo thêm nguồn lực cho nhà nước tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc theo mục tiêu đề ra, đảm bảo nguyên tắc bù đắp các chi phí cần thiết như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Ngày 30-3-2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 67/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo đó giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đề xuất về cơ chế thu phí, hoàn thiện dự án Luật Giao thông đường bộ (trong đó có nội dung về cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư), bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để đề xuất cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ.

Phải xem xét thận trọng việc điều chỉnh mức trần khung giá vé máy bay

Liên quan đến đề xuất của Vietnam Airlines về tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng, nên để khách hàng và thị trường quyết định. Một số chuyên gia cho rằng, việc xem xét điều chỉnh giá trần để phù hợp với đầu vào, cơ quan chức năng cần xem xét. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) cần cân nhắc, trong bối cảnh hiện nay có thể điều chỉnh tăng là hợp lý nhưng cần phải xem xét hết sức thận trọng.

Theo Bộ Tài chính, về thẩm quyền quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, theo quy định tại Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21-11-2014: “Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông Vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông Vận tải”. Theo đó, việc xem xét điều chỉnh khung giá (bao gồm giá trần và giá sàn) dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.

Nguyên tắc định giá nhà nước được quy định tại Điều 20 Luật Giá: “1. Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. 2. Kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi".

Bộ Tài chính cho rằng, qua phản ánh báo chí, đây mới chỉ là phương án đề xuất của Vietnam Airlines. Việc xem xét điều chỉnh mức trần khung giá vé máy bay, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xem xét thận trọng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và rà soát từng yếu tố chi phí hợp lý, hợp lệ cấu thành giá vé máy bay theo quy định của pháp luật, đồng thời, tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh thích hợp (nếu có), bảo đảm phù hợp chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân; hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Hương Thủy