Nỗi lo khủng hoảng lương thực vẫn tiếp diễn trong năm 2021
Thế giới - Ngày đăng : 18:40, 05/05/2021
Cơ quan nhân đạo do Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc thành lập năm 2016 này cảnh báo, tình trạng mất an ninh lương thực đã khiến cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng kể từ năm 2017 - năm đầu tiên GNAFC ghi nhận báo cáo thường niên về khủng hoảng lương thực.
Tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức độ khủng hoảng hoặc thậm chí tồi tệ hơn đã gây ảnh hưởng tới ít nhất 155 triệu người trong năm 2020, con số cao nhất kể từ khi báo cáo này được thực hiện.
Cứ 2 trong số 3 người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lương thực năm 2020 là ở châu Phi. Yemen, Afghanistan, Syria và Haiti là các quốc gia nằm trong số 10 địa điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tháng trước thông báo, giá thực phẩm toàn cầu đã tăng trong tháng 3-2021, đánh dấu mức tăng tháng thứ 10 liên tiếp. Dẫn đầu đà tăng này là giá dầu thực vật và các sản phẩm từ sữa.
Điều này cảnh báo tình hình dự kiến sẽ không mấy khả quan trong năm nay. Bên cạnh tác động của xung đột, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng là yếu tố khiến nỗi lo về lương thực càng thêm trầm trọng.
Tại Burkina Faso, Nam Sudan và Yemen, 133.000 người đang ở trong giai đoạn nghiêm trọng nhất hoặc "thảm họa" của tình trạng mất an ninh lương thực, cần có hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng tử vong trên diện rộng do thiếu lương thực và sự sụp đổ hoàn toàn về sinh kế.
Ít nhất 28 triệu người khác đang trong giai đoạn "khẩn cấp" của khủng hoảng lương thực, nghĩa là họ đang đứng bên bờ vực của nạn đói và cần có hành động khẩn cấp để ngăn chặn nạn đói cũng như cứu lấy mạng sống và sinh kế của họ.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định: "Chúng ta phải làm mọi cách để chấm dứt vòng luẩn quẩn này. Không có chỗ cho nạn đói trong thế kỷ XXI".