Góp phần nâng cao Chỉ số PAPI

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:59, 07/05/2021

(HNM) - Nhờ kiên trì cải cách, trong đó lấy cải cách thủ tục hành chính là đột phá, hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền thành phố Hà Nội đang dần được nâng lên. Đáng ghi nhận là Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 của thành phố tăng 11 bậc so với năm 2019, vượt mục tiêu tăng ít nhất 5 bậc theo kế hoạch đề ra, đạt 41,63 điểm, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, điều chưa thể hài lòng là Hà Nội vẫn nằm trong nhóm các địa phương có điểm tổng hợp Chỉ số PAPI thấp nhất. Ngay sau khi có bảng xếp hạng năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 1284/UBND-SNV về việc tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 22-1-2021 về cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI năm 2021. Trong đó có phân tích, chỉ ra những hạn chế, làm rõ trách nhiệm cần giải quyết thuộc về các sở, ngành, địa phương cụ thể.

Để nâng cao Chỉ số PAPI năm 2021 và các năm tiếp theo, trong quá trình triển khai, trước hết các sở, ngành, UBND các cấp của thành phố cần gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn về lĩnh vực được giao và xem đây là căn cứ đánh giá thi đua của các đơn vị, cá nhân liên quan. Cùng với đó là cần đặt mục tiêu tăng hạng, điểm của Chỉ số PAPI đồng thời với Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

Đối với UBND các cấp, cần kiên trì làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các quyền lợi, nghĩa vụ của công dân trong xây dựng chính quyền, nhất là ở cấp cơ sở; cung cấp cho người dân thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan; định hướng để người dân hiểu đúng, hiểu đủ về những thách thức khách quan và chủ quan trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, qua đó có sự chia sẻ, đánh giá sát thực hơn. UBND thành phố và các sở, ngành tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; các dịch vụ công thiết yếu, cơ bản trong lĩnh vực y tế, giáo dục, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, xây dựng nhà ở…

Đồng thời, các sở, ngành, UBND các cấp cần kịp thời tiếp thu, phản hồi đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của người dân; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ, thường xuyên và đột xuất để chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, xử lý sai phạm (nếu có), giữ nghiêm kỷ cương hành chính theo đúng chủ đề công tác năm 2021 của thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Các sở, ngành, UBND các địa phương cũng cần thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi khi để xảy ra trễ hẹn. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các trường hợp giao tiếp, ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận tiếp nhận, trực tiếp tiếp xúc với tổ chức, công dân.

Chính quyền các cấp phải chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đoàn thể các cấp của thành phố trong việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; trong hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Về phía người dân, việc chủ động nắm bắt kiến thức pháp luật, tìm hiểu và ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến là rất cần thiết; đồng thời không tiếp tay cho “tham nhũng vặt” khi thực hiện các giao dịch hành chính. Đó là cách để góp phần nâng cao Chỉ số PAPI.

Thế Đan